Theo kế hoạch, sự kiện sẽ diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP Hồ Chí Minh-Bến Nhà Rồng). Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Báo QĐND và Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh thống nhất không tổ chức cuộc tọa đàm, tập trung nguồn lực cùng quân, dân cả nước thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Ban tổ chức đã nhận được gần 30 tham luận và ý kiến của các đại biểu, là những tướng lĩnh, chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, giảng viên các học viện, trường đại học... trong cả nước. Các tham luận đều được chuẩn bị công phu, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Bác Hồ; khẳng định tầm nhìn thời đại và những cống hiến vĩ đại của Người đối với phong trào cách mạng vô sản thế giới; những giá trị bất hủ của tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam trong thời đại mới... Báo QĐND trích đăng một số tham luận giới thiệu cùng bạn đọc!
 |
Ngày 5-6-1911, từ Bến cảng Nhà Rồng (ảnh), trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Ảnh: TTXVN |
PGS, TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Khởi nguồn của một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại
Sinh ra và lớn lên tại vùng “địa linh nhân kiệt”, lại có trí thông minh mẫn cảm tuyệt vời, với nghị lực phi thường, trong Nguyễn Sinh Cung đã sớm nảy nở lòng yêu nước với những tinh hoa của xứ sở, những trăn trở khổ đau thời cuộc... Tình cảm yêu nước, thương dân, khao khát nước nhà được độc lập, nhân dân được hạnh phúc khởi nguồn từ quê hương xứ Nghệ, thôi thúc Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước...
Chính gia đình là cái nôi nuôi dưỡng Nguyễn Sinh Cung hình thành nhân cách một người thương dân, yêu quê hương đất nước. Trong đó, người có tác động trực tiếp và to lớn, tạo nên ý chí ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Cụ là người cha hết lòng thương con, tính toán chỉn chu, thấu đáo trong việc giáo dục con, từ học chữ để có tri thức đến môi trường sống để có hiểu biết về thời cuộc, từ đó hình thành nhân cách, tư tưởng... Nguyễn Tất Thành thường được cụ Nguyễn Sinh Sắc sau khi đỗ Phó bảng, dắt theo trong những cuộc giao du với nhiều sĩ phu yêu nước để bàn luận hiện tình đất nước, những bế tắc của thời cuộc... Được nghe cha và các bậc cao niên bàn luận và trải qua những gì tận mắt chứng kiến, đã biết về đời sống của người dân ở quê hương và những nơi đặt chân đến, Nguyễn Tất Thành không ngừng suy nghĩ, ngày đêm nung nấu, day dứt tâm can về những điều các bậc cha chú đau đáu khôn nguôi...
Dù sinh sống cùng mẹ-bà Hoàng Thị Loan không lâu, nhưng đức độ, tấm lòng người mẹ đối với việc hình thành nhân cách và ý chí Nguyễn Tất Thành khá rõ nét. Sống trong cảnh nghèo túng, vất vả với người mẹ nhân hậu, đặc biệt là lúc một mình cơ cực vượt qua cơn hoạn nạn ở Huế khi cha vắng nhà, ông bà ở xa, dù mới 10 tuổi đã phải đơn côi một mình lo tang mẹ trong quy định ngặt nghèo của Đại Nội Huế, rồi ngày ngày phải đi xin sữa, xin cháo nuôi em sơ sinh. Được sự giúp đỡ của bà con và người đồng hương xứ Nghệ trên đất Huế, Nguyễn Sinh Cung vừa thương mẹ da diết, vừa thấm sâu tình làng, nghĩa xóm, lòng dân, nghĩa đồng bào...
Dù chỉ sống với ông bà ngoại-thầy giáo Hoàng Xuân Đường ở Hoàng Trù 3 năm nhưng trong những năm tháng đầu đời ấy, qua những câu chuyện giản dị, những lời khuyên ân tình, những điệu hò ví, giặm... mà ông ngoại đã đọc, đã hát, đã tác động lớn đối với việc hình thành nhân cách của Nguyễn Sinh Cung. Ông ngoại, bà ngoại và cả người dì cùng người mẹ đảm đang đã thổi vào tâm hồn bé Cung tình thương yêu con người, lòng nhân hậu bao la...
Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ khởi đầu cuộc trường chinh vĩ đại tìm đường cứu nước, tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Người, chúng ta luôn trân quý, tạ ơn gia đình nội, ngoại của Bác Hồ và quê hương xứ Nghệ-nơi khởi nguồn, có công đầu tiên dệt nên tâm hồn, nhân cách và trí tuệ vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh...
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN SỸ HỌA, Học viện Lục quân:
Động lực thôi thúc Bác ra đi tìm đường cứu nước
Sinh ra và được nuôi dưỡng trong một gia đình nhà nho yêu nước tiến bộ, có lòng thương dân sâu sắc; lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng-Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, Nguyễn Tất Thành đã hấp thụ những giá trị tinh túy nhất của quê hương, gia đình và nhân tố mới của thời đại, trở thành người con ưu tú nhất của dân tộc. Với lòng yêu nước, thương dân bắt nguồn từ sự thấu hiểu con người-mà chủ yếu là người lao động nghèo khổ, đã giúp Nguyễn Tất Thành hiểu rõ hoàn cảnh đất nước và hình thành những ham muốn tích cực, thái độ tiến bộ đối với nhân dân và vận mệnh của đất nước. Ngay từ khi còn nhỏ tuổi, khi nghe những từ “Tự do-bình đẳng-bác ái” cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã bị thu hút, có ý định muốn làm quen với nền văn minh Pháp và “muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”; đồng thời hiểu rõ câu nói của người xưa “muốn bắt hổ con thì phải vào hang hổ”. Từ đó, một ý tưởng mới đã xuất hiện trong tư duy của Người: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Đây là động lực khởi đầu thúc đẩy Người lựa chọn phương hướng mới để cứu nước, cứu dân.
Động lực chủ yếu thúc đẩy trực tiếp Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước là hiện thực xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Thực dân Pháp câu kết với triều đình nhà Nguyễn bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy, tình trạng “một cổ hai tròng” đè nặng lên toàn thể đồng bào ta, tất yếu dẫn đến những cuộc đấu tranh đòi độc lập dân tộc với nhiều phương pháp và xu hướng khác nhau, nhưng đều bị đàn áp và chìm trong bể máu. Cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước, đòi hỏi tất yếu phải có một phương hướng cứu nước mới.
Động lực tác động mạnh đến nhận thức, tư tưởng Nguyễn Tất Thành đó là trong xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện một lực lượng xã hội hoàn toàn mới-giai cấp công nhân Việt Nam. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời là sản phẩm trực tiếp của chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Người đã đặc biệt quan tâm đến mầm non đang phát triển phù hợp với xu thế tiến bộ của xã hội và nhận định chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công.
Sự kiện Nguyễn Tất Thành rời xa quê hương, Tổ quốc vào ngày 5-6-1911 trên con tàu Amiral Latouche Tréville là kết quả tất yếu của hệ thống động lực thôi thúc nhằm mục đích cao cả là tìm đường cứu nước, cứu dân khỏi ách áp bức thống trị của thực dân đế quốc và tay sai.
Đồng chí PHẠM TẤN LINH, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai
Thêm tự hào và biết ơn công lao trời biển của Bác Hồ
Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi nguy hiểm, tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa; đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc.
Cuối năm 1917, Người trở về Pháp, tham gia những hoạt động của Đảng Xã hội Pháp và hoạt động của những người yêu nước Việt Nam tại Pháp. Khi tiếp cận với Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã tìm ra được con đường cứu nước, cứu dân đúng đắn: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Người đã nhận thức ra chân lý: Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Đối với Nguyễn Ái Quốc, đây là bước ngoặt từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, từ một thanh niên yêu nước, một chiến sĩ giải phóng dân tộc trở thành chiến sĩ cộng sản quốc tế. Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta; đánh dấu bước ngoặt mở đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta những năm đầu thế kỷ 20; là sản phẩm của sự kết hợp Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử và của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc.
Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta càng tự hào và biết ơn công lao trời biển của Người đối với dân tộc ta, nhân dân ta, Người đã làm rạng rỡ non sông, đất nước ta. Trong tình hình mới hiện nay, các thế lực thù địch đã, đang và sẽ tiếp tục chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, đất nước ta và nhân dân ta với nhiều hình thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt trên tất cả các lĩnh vực chính trị tư tưởng-văn hóa, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam... Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần nâng cao nhận thức, cảnh giác trước âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là phải tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đồng chí Nguyễn Minh Hải, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh
Vài suy nghĩ về bài học “nghĩ khác”, “làm khác”
Sự kiện người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. Đối với chúng ta, sự kiện lịch sử này đã để lại những bài học sâu sắc, có giá trị vượt thời gian. Một trong những bài học mang tính phương pháp luận trong suy nghĩ và hành động, đó là “nghĩ khác” và “làm khác”. “Nghĩ khác” và “làm khác” phải đi liền và gắn bó mật thiết với nhau, bởi nếu chỉ có nghĩ mà không làm thì không trọn vẹn và không mang lại kết quả thiết thực; nếu có làm mà không nghĩ tức là hành động không trên cơ sở tư duy thì kết quả không như mong đợi. “Nghĩ khác”, “làm khác” tức là vượt qua được định kiến, vượt qua các lối mòn, vượt qua các sự lặp lại trước đó để theo đuổi ý tưởng đến cùng cho đến khi đạt được mục đích cao cả.
Trong sự kiện Bác Hồ ra nước ngoài tìm đường cứu nước, sự "nghĩ khác" và "làm khác" được thể hiện: Nguyễn Tất Thành chọn nước Pháp làm điểm đến. Đây chính là sự khác biệt so với tất cả các lựa chọn khác lúc bấy giờ. Không chỉ đến Pháp, Nguyễn Tất Thành còn đến với nhiều nước tư bản phương Tây và nhiều nước thuộc địa. Từ đó, Người nhận ra: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột, mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản". Chúng ta rút ra bài học là phải đi nhiều, nghe nhiều, quan sát nhiều trên cơ sở phân tích, lý giải một cách độc lập, khoa học, biện chứng. Chúng ta cần tìm hiểu ở nhiều khía cạnh khác nhau để có đánh giá khách quan, chính xác mọi vấn đề.
Nguyễn Tất Thành chọn cách vừa mưu sinh, vừa học tập, vừa tìm kiếm con đường cách mạng và vừa hoạt động cách mạng. Đây là sự khác biệt so với tư duy, phương pháp của nhiều nhà yêu nước khác lúc bấy giờ. Bài học ở đây là nên mạnh dạn trải nghiệm, bởi quá trình trải nghiệm không chỉ cho chúng ta cuộc sống thật với các hiểu biết cơ bản toàn diện về nhiều vấn đề mà còn khơi gợi, thúc đẩy chúng ta có được những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để có thể thực hiện được các mục tiêu tiếp theo, cống hiến ngày càng nhiều cho đất nước.
Nguyễn Tất Thành chọn cách tiếp cận từ giai cấp vô sản và đã sáng suốt nhận định, chỉ có cách mạng vô sản mới thực sự là con đường giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc Việt Nam. Trong quá trình thâm nhập thực tế ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã nhận rõ sức mạnh của giai cấp vô sản và phải liên kết chặt chẽ công nhân, nông dân, trí thức và cả thành phần tư sản, địa chủ yêu nước. Đó là góc nhìn sáng suốt và đầy sáng tạo của Người. Bài học của chúng ta là phải biết đoàn kết, tập hợp và phát huy sức mạnh của tất cả các lực lượng đang có cùng mục tiêu, cùng lợi ích. Mỗi người phải vượt qua được góc nhìn thiển cận, giáo điều, để mở rộng quan hệ hữu nghị, bạn bè, hạn chế kẻ thù, đối thủ. Điều này rất đúng với quan điểm của Đảng ta hiện nay, trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác...
Đại tá, TS LÊ HỒNG ĐIỆP, Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7
Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng Mặt trận Việt Minh
Một sáng tạo lớn, đồng thời là một cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đối với dân tộc là việc đề xướng thành lập Mặt trận Việt Minh.
Đầu năm 1941, trước những thay đổi mạnh mẽ của tình hình trong nước và những biến động to lớn trên thế giới, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Tây, Trung Quốc lên đường về nước. Từ ngày 10 đến 19-5-1941, tại Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại hội nghị, Người cùng Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng: Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của địa chủ, thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để mở rộng khối đoàn kết dân tộc, tập trung mũi nhọn đấu tranh vào nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc...
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, đòi hỏi Đảng ta phải tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng trong xã hội, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc vào một mặt trận dân tộc thống nhất. Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, hội nghị đã quyết định thành lập mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Hội nghị nêu rõ: Khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm và quyết định lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Mặt trận Việt Minh và sẽ là cờ của Tổ quốc khi giành được chính quyền.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi oanh liệt và nhanh chóng do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do chính sách đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh thành lập và lãnh đạo, đúng như Tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh-Liên Việt họp tháng 3-1951 khẳng định: “Việt Minh có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân chống quân cướp nước”.
Mặt trận Việt Minh trở thành biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết toàn dân, của tư tưởng Hồ Chí Minh về mặt trận dân tộc thống nhất và để lại cho Đảng ta những bài học quý báu, được Đảng ta vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Kế tục vai trò lịch sử của các hình thức tổ chức mặt trận trước đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
TS NGUYỄN THỊ KIM LIÊN, Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị (Khu vực 2)
Tầm nhìn văn hóa của Bác trong xây dựng đội ngũ công bộc
Việc xây dựng đội ngũ công chức là một trong những vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Bởi, Bác ý thức rất rõ, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước phụ thuộc rất lớn ở đội ngũ nguồn nhân lực này. Chính vì vậy, Người quyết tâm xây dựng cho bằng được đội ngũ cán bộ, công chức đủ đức, đủ tài, trong đó đức là gốc, là nền tảng. Bác đã nhiều lần căn dặn và quán triệt: Cán bộ là “công bộc”, là “đầy tớ” của nhân dân, phải yêu thương, kính trọng nhân dân, tận tâm, tận tụy với nhân dân. Ngoài ra, cán bộ công chức phải đủ tài để có chất lượng công tác, có tính chuyên môn hóa và tính chuyên nghiệp hóa cao, bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành thông suốt. Đặc biệt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đã là cán bộ công chức nhà nước thì phải nắm chắc luật pháp, am hiểu pháp luật và vận dụng chúng một cách nhuần nhuyễn trong lĩnh vực hoạt động của mình, tránh làm sai, gây hậu quả cho dân, cho nước. Khi xây dựng và thi hành pháp luật thì phải dựa trên cơ sở đạo đức để xử lý cho công tâm, nghiêm minh. Người căn dặn cán bộ tư pháp phải luôn nhớ một triết lý nhân sinh khi thực thi luật pháp: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác... là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức...”. Triết lý nhân sinh ấy theo suốt cuộc đời Bác, thấm đẫm trong cách ứng xử của Bác với dân, với nước. Triết lý nhân sinh đó là ngọn nguồn của những giá trị toát ra từ con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, lan tỏa những điều tốt đẹp, khơi dậy cái tốt, cái thiện tiềm ẩn trong mỗi con người, giáo dục và hoàn thiện nhân cách con người trong xã hội.
Lâu nay vẫn tồn tại một nhận thức cho rằng vấn đề nhà nước là vấn đề chính trị. Tuy nhiên, trong tính hiện thực khách quan, chính trị nằm trong các mối quan hệ xã hội, nó tác động qua lại giữa các mặt kinh tế, văn hóa. Trong mối quan hệ với văn hóa, Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng cũng là chính trị, chính trị hiểu sâu cũng là văn hóa”.
Hiện nay, chúng ta đang tiến hành xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân với phương châm lấy dân làm gốc, thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây chính là sự tiếp tục thực hiện tư tưởng về xây dựng nhà nước do dân làm chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới chứa đựng toàn bộ những tinh hoa của các mô hình nhà nước đương đại và các giá trị của nhà nước truyền thống, vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nhân văn sâu sắc.
QĐND