Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, công nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020.
Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao. Đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn có tiềm năng vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
 |
Quang cảnh tọa đàm. |
Tuy nhiên, vướng mắc của nền công nghiệp Việt Nam được cho là nội lực còn yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn trong sản xuất, chưa có sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao. Do đó, đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 25%, và đặt ra nhiệm vụ “Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu”.
Đây là mục tiêu khá thách thức, nhưng cũng đặt ra nhiệm vụ lớn cho công nghiệp nước nhà, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời kỳ mới, đặc biệt vai trò của các doanh nghiệp trong nước cần được nhìn nhận và phát huy hiệu quả hơn để xây dựng một nền công nghiệp tự chủ.
 |
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp chia sẻ tại tọa đàm. |
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, nền kinh tế thế giới sẽ theo xu hướng tận dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số sẽ diễn ra trong nhiều lĩnh vực, các ngành, kéo theo đó là các chuỗi cung ứng cũng như hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế sẽ có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp và bảo đảm tính bền vững. Trong tiến trình phát triển tự chủ công nghiệp trong nước, Việt Nam phải kết hợp với những thành tựu mới; lưu ý tới xu thế xanh hóa trong sản xuất. Chính vì vậy, khi lựa chọn các ngành, các phân ngành để phát triển công nghiệp trong thời gian tới phải dựa trên nền tảng những ngành công nghiệp đang có thế mạnh, đang phát triển. Đồng thời phải chú ý tới các tiêu chí về thị trường trong nước; công nghệ, làm sao để những ngành công nghiệp của Việt Nam phải tiếp cận được những công nghệ sản xuất hiện đại… Song song với phát triển công nghiệp nền tảng, chúng ta cũng phải phát triển các ngành sản xuất ra các sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu.
Tại tọa đàm, các ý kiến cũng tập trung làm rõ đây là những ngành công nghiệp mũi nhọn cần tập trung phát triển để đảm bảo vấn đề tự chủ quốc gia; những giải pháp, chính sách phát huy hiệu quả hơn vai trò của các doanh nghiệp trong nước nhằm xây dựng nền công nghiệp tự chủ.
Tin, ảnh: VŨ DUNG