Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay có thể sẽ đạt 6,1%, cao hơn mức dự báo 5,5% đưa ra vào tháng 4. WB đánh giá cao khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Theo WB, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 được dự báo cao hơn nhờ tăng trưởng xuất khẩu, dấu hiệu hồi phục của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng vào nửa cuối năm. 

leftcenterrightdel
Đô thị phát triển mạnh, nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng trên đường Tố Hữu, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn dự báo mới nhất của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) có trụ sở tại Singapore cho biết, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,3% vào năm 2024 và 6,5% vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,3% trong dự báo mới nhất cao hơn mức 6% mà AMRO đưa ra hồi tháng 4 năm nay. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong số các nước ASEAN năm 2024. Nhà kinh tế trưởng Hoe Ee Khor của AMRO nhận định: “Đây sẽ là một năm tăng trưởng rất mạnh mẽ đối với Việt Nam. Đất nước này là một trong những nền kinh tế có độ mở cao và được hưởng lợi rất nhiều từ thương mại”. Trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 lần lượt ở mức 6% và 6,2%.

Trang fulcrum.sg của Singapore chuyên phân tích về Đông Nam Á có bài viết nhận định, Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất về quá trình chuyển đổi kinh tế ở châu Á. Trong vòng 3 thập kỷ, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất và dịch vụ năng động, kết nối chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu. Công cuộc đổi mới được khởi xướng vào năm 1986 đã tạo nền tảng cho sự thay đổi này. Sự mở rộng trong thương mại và đầu tư đã góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, qua đó cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội cho người dân. Để thúc đẩy các cải cách đầy thách thức hơn, Việt Nam đã tích cực theo đuổi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Cho đến nay, Việt Nam có tổng cộng 15 FTA có hiệu lực.

Về lĩnh vực thương mại điện tử, theo trang chuyên về công nghệ Open Gov Asia, Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử bền vững. Báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á của Open Gov Asia đánh giá, Việt Nam và Thái Lan nổi lên là hai thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở khu vực. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm từ 16-30% trong 4 năm qua. Việt Nam đang nỗ lực phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới như một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Điều này được hỗ trợ bởi nhiều chính sách, hướng dẫn và giải pháp đổi mới. Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế tăng 300%. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt doanh thu hằng năm trên 1 triệu USD.

Theo trang tin Fibre2fashion.com, Ngân hàng United Overseas (UOB) của Singapore cho rằng hầu hết nhà đầu tư nước ngoài đều có niềm tin về triển vọng kinh tế tích cực của Việt Nam trong dài hạn. Điều này được phản ánh qua tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trao đổi với tờ The Star, ông José Viñals, Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered (Anh), nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ hoạt động tốt hơn trong năm nay và đạt tốc độ tăng trưởng 6% trong nửa cuối năm, đưa tốc độ tăng trưởng chung cả năm lên 6%. “So với hầu hết các nền kinh tế khác, tốc độ tăng trưởng 6% là khá ấn tượng, gần gấp đôi tốc độ toàn cầu và cao hơn các thị trường mới nổi. Điều này đưa Việt Nam vào danh sách các nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu trên toàn cầu. Đây là điều đáng mừng”, ông José Viñals khẳng định.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.