Ngày 7-6, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển cá nước lạnh và giải pháp phát triển nghề cá nước lạnh trong thời gian tới.

20 năm qua, nghề nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam có bước phát triển ấn tượng. Năm 2007, sản lượng cá nước lạnh cả nước đạt 95 tấn, năm 2010 đạt 450 tấn, năm 2015 đạt 1.585 tấn, năm 2020 đạt 3.720 tấn và đến năm 2023 đạt hơn 4.668 tấn. Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007-2023 tăng trung bình 49,13%/năm. Lâm Đồng và Lào Cai là 2 địa phương phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh và lớn nhất, nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi có quy mô lớn của cả nước.

leftcenterrightdel
 Cá tầm nuôi tại Trang trại Huỳnh Ngọc Thu, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, hoạt động phát triển cá nước lạnh tại Lâm Đồng được bắt đầu từ năm 2006. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 cơ sở nuôi cá nước lạnh chủ yếu là cá tầm với tổng diện tích khoảng 54ha và 640 lồng, bè trên hồ thủy lợi, thủy điện. Diện tích nuôi cá nước lạnh chủ yếu tập trung tại các huyện: Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà và TP Đà Lạt.  

leftcenterrightdel
Quá trình phát triển cá nước lạnh tại Việt Nam được trình bày tại hội nghị. 

Với tổng sản lượng cá tầm đạt 4.303 tấn vào năm 2023, Việt Nam là một trong 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới. Hiện nay, cá nước lạnh chủ yếu là cá tầm và cá hồi đã được nuôi tại 21 tỉnh, chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Việc phát triển nuôi cá nước lạnh ở vùng cao, miền núi góp phần tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.

Tin, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.