Theo nhiều chuyên gia, giá vàng trong nước đã có sự chênh lệch so với giá vàng thế giới từ nhiều năm trước đây, tuy nhiên, mức chênh lệch này thường không quá 10% nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng.

Lấy ví dụ thời điểm cuối tháng 7-2020, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, mỗi lượng vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng một lượng.

Đến tháng 8-2020, thời điểm giá vàng trong nước đạt đỉnh, mức vênh giữa hai thị trường cũng chỉ lên tới 4 triệu đến 4,5 triệu đồng một lượng.

 Người dân mua, bán vàng tại cửa hàng. Ảnh minh họa: TTXVN.

Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, giá vàng trong nước có một số thời điểm cao hơn từ 15 đến 18% so với thế giới, mức chưa từng có trong nhiều năm gần đây.

Giới đầu tư còn tỏ ra bất ngờ trước sự tăng giá “không kiểm soát” của vàng miếng SJC khi nhu cầu trong nước giảm, người mua vàng ít, thậm chí thị trường vừa trải qua đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19 khiến các tiệm vàng phải đóng cửa dài ngày.

Ngay trong tuần trước, khi giá vàng SJC vượt ngưỡng 62 triệu đồng/ lượng, gần với đỉnh cũ đã lập được, không khí mua bán vàng tại các thành phố lớn trong đó có Hà Nội vẫn diễn ra vô cùng ảm đạm. Thời điểm này, giá vàng SJC đạt mức cao hơn tới 10 - 11 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới-mức chênh lệch kỷ lục.

Lý giải cho việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nguyên nhân đến từ việc Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012.

Theo nghị định này, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất; Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Từ thời điểm thực hiện nghị định này, các giấy phép được cấp để sản xuất vàng miếng, cả giấy phép được cấp cho công ty SJC đã không còn hiệu lực.

Tuy nhiên do vàng miếng SJC là thương hiệu có uy tín, chất lượng, chiếm tới 95% thị trường vàng miếng, đồng thời để tiết kiệm chi phí sản xuất và tránh xáo trộn cho hoạt động kinh doanh sản xuất vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Điều này khiến giá vàng miếng SJC luôn có giá trị hơn các loại vàng khác. Trong các giao dịch vàng, người dân cũng có tâm lý ưa chuộng giao dịch bằng vàng miếng SJC hơn các loại vàng khác.

Nghị định số 24 cũng quy định chỉ có Nhà nước mới được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều 14 nghị định nêu rõ, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Từ những lý do này đã đẩy giá vàng trong nước, đặc biệt là giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới càng lớn sẽ khiến người mua chịu thiệt thòi nhiều nhất do họ không dám bỏ tiền đầu tư vàng vào thời điểm này. Vì vậy, rất cần có giải pháp để làm cho giá vàng trong nước liên thông, tiệm cận với quốc tế.

HẢI YẾN