Đồng USD quay đầu giảm vào phiên giao dịch vừa qua, một ngày sau khi ghi nhận mức tăng cao nhất trong hơn 3 tháng, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tiếp tục “nghe ngóng” tình hình Ukraine. Ngoài ra, trước dữ liệu lạm phát mới được công bố, các chuyên gia suy đoán rằng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thận trọng hơn trong cuộc họp chính sách tiếp theo của mình.
Cụ thể, Chỉ số chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng hơn dự kiến trong tháng 1 với mức 0,6%, cao hơn so với mức tăng 0,5% của tháng 12, ngay cả khi áp lực giá cả gia tăng, với tỷ lệ lạm phát hàng năm đạt mức cao nhất trong bốn thập kỷ.
 |
Biểu đồ Chỉ số DXY theo thời gian thực. Ảnh: Marketwatch. |
“Các dữ liệu này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phải “oằn mình” trước áp lực từ sự bùng dịch trở lại của đại dịch Covid-19 tại nước này với biến thể mới Omicron và giá dầu cao. Hy vọng rằng tình hình Ukraine sẽ sớm ổn định trở lại, tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đủ mạnh để vững vàng trước bối cảnh giá dầu tiếp tục tăng”, theo Brian Jacobsen, chiến lược gia tại Allspring Global Investments, Menomonee Falls, Wisconsin (Mỹ).
Chuyên gia Jacobsen nhận định, con số lạm phát vẫn giữ nguyên ở mức cao nhất định trong những tháng qua, điều đó có thể sẽ khiến Fed trở nên ít quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng tới.
Trước bước tăng nhảy vọt hôm 24-2 - đưa đồng bạc xanh lên mức cao nhất kể từ ngày 30-6-2020 thì nó đã liên tục giảm trong những tuần gần đây, do căng thẳng gia tăng ở Ukraine có thể sẽ khiến Fed trở nên thận trọng hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Kỳ vọng về việc tăng lãi suất ít nhất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 3 đã giảm xuống 17,2% từ mức khoảng 34% một ngày trước, theo FedWatch Tool.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch trừng phạt tiếp theo đối với Nga. Các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, tình hình ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến quá trình thắt chặt chính sách của ECB. Các nhà đầu tư đánh cược chỉ khoảng 8% cơ hội ECB sẽ tăng lãi suất chuẩn lên 10 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách ngày 10-3 tới đây.
Đồng rúp Nga tăng 1,57% so với đồng bạc xanh ở mức 83,23 USD, sau khi chạm mức thấp kỷ lục 89,986 một ngày trước đó; Đồng yên Nhật suy yếu 0,01% so với đồng bạc xanh ở mức 115,54 USD; trong khi bảng Anh giao dịch lần cuối ở mức 1,3382 USD, tăng 0,05% trong vòng 24 giờ.
 |
Tỷ giá USD hôm nay 26-2: Đồng USD quay đầu giảm sau phiên tăng nóng. Ảnh minh họa: berkleyfs |
Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 25-2, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng nhẹ ở mức: 23.146 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào bán ra giữ nguyên ở mức: 22.550 đồng - 23.050 đồng.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:
Vietcombank: 22.680 đồng - 22.960 đồng
VietinBank: 22.605 đồng - 23.045 đồng
Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra ở mức: 25.149 đồng – 26.705 đồng.
Tỷ giá Euro tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:
Vietcombank: 25.096 đồng - 26.238 đồng
VietinBank: 24.853 đồng - 26.143 đồng
MINH ANH