Đồng USD đã chốt phiên tuần ở mức giảm nhẹ 0,37%. Trong tuần qua, đồng bạc xanh đã trải qua đợt điều chỉnh mạnh với mức giảm 1,40%.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng bạc xanh rời khỏi mốc cao nhất trong hai thập kỷ được lập vào tuần trước, khi các nhà giao dịch đặt cược vào mức độ “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tăng lãi suất tại cuộc họp vào cuối tháng này. Ngoài ra, nhu cầu của các nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro tăng trở lại, đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với đồng tiền trú ẩn an toàn như đồng USD cũng giảm đi.
 |
Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong tuần qua. Ảnh: Marketwatch. |
Trong ngày 20-7, đồng bạc xanh xuống mốc 106,68 và trượt giá so với đồng Euro sau thông tin mới cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xem xét mức tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản cao hơn dự kiến tại cuộc họp sắp tới nhằm kiềm chế tình hình lạm phát cao kỷ lục, trong bối cảnh thị trường giảm kỳ vọng vào mức tăng 100 điểm cơ bản từ Fed.
Sau khi tăng nhẹ vào phiên giao dịch 21-7, đồng USD lại giảm giá trong các ngày 22 và 23-7 sau khi dữ liệu mới được công bố gần đây cho thấy, hoạt động kinh doanh của Mỹ sụt giảm, lần đầu tiên trong gần hai năm qua. Theo đó, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ đã giảm nhiều hơn so với dự kiến, xuống mức 47,5 trong tháng 7, so với mức 52,3 trong tháng 6. Con số dưới mức 50 cho thấy hoạt động kinh doanh đã sụt giảm, dấy lên những tranh luận về việc liệu nền kinh tế Mỹ có thể phục hồi sau suy thoái, tương tự như thời điểm suy thoái vào đầu năm 2020, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.
Trong khi đó, kể từ lúc đồng tiền chung châu Âu trượt xuống mức ngang bằng với đồng USD vào tuần trước, lần đầu tiên kể từ năm 2002, nó đã phục hồi trở lại khi thị trường kỳ vọng vào những động thái “diều hâu” hơn từ ECB. Bên cạnh đó, việc đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) hoạt động trở lại đúng hạn sau khi trải qua quá trình bảo hạn định kỳ 10 ngày cũng đã hỗ trợ đà tăng cho đồng Euro.
Ngoài ra, đồng bảng Anh cũng giảm 0,2% so với đồng USD, xuống còn 1,1979 USD sau khi dữ liệu cho thấy các doanh nghiệp ở Anh tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 17 tháng, vào tháng 7, làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm trong nền kinh tế Anh cùng với tình trạng lạm phát ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Bên cạnh đó, đồng AUD cũng giảm hơn 0,26%, xuống mức 0,6911 USD.
 |
Tỷ giá USD hôm nay 24-7: Đồng USD giảm mạnh, Euro phục hồi trở lại. Ảnh minh họa: Reuters. |
Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 22-7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm nhẹ ở mức: 23.212 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào bán ra giữ nguyên ở mức: 22.550 đồng - 23.400 đồng.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:
Vietcombank: 23.270 đồng - 23.550 đồng
VietinBank: 23.180 đồng - 23.620 đồng
Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ ở mức: 22.986 đồng – 24.408 đồng.
Tỷ giá Euro tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:
Vietcombank: 23.405 đồng - 24.469 đồng
VietinBank: 23.046 đồng - 24.336 đồng
MINH ANH