Tỷ giá USD trên thế giới trong tuần qua

Chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đứng ở mức 101,71, giảm 0,82%.

 Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong tuần qua. Ảnh: Marketwatch

Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD “xập xình” quanh mốc 102,5 và trượt giá so với đồng Euro, do đồng tiền này vẫn chịu áp lực từ tín hiệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về khả năng cắt giảm lãi suất vào năm tới. Ngược lại, đồng bạc xanh tăng cao hơn so với đồng yên Nhật khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày để xác định thời điểm kết thúc chính sách lãi suất cực kỳ “lỏng lẻo” của ngân hàng trung ương.

Sang ngày 20-12, chỉ số DXY giảm 0,44%, xuống mốc 102,12, đồng thời tiếp tục gặp khó khăn so với hầu hết các đồng tiền chính khi các nhà giao dịch bán tháo ồ ạt đồng tiền Mỹ do kỳ vọng rằng Fed sắp bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu tháng 3 tới đây. Một lãnh đạo Fed cho biết định chế này không cam kết trước về việc cắt giảm lãi suất, và việc thị trường đặt cược về Fed sớm cắt giảm lãi suất là trái ngược với cách thức hoạt động của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Tuy nhiên, bình luận đó hầu như không tác động được đến giá cả thị trường và ngăn chặn sự sụt giảm của đồng bạc xanh.

Dù đã lấy lại đà tăng 0,26%, đạt mốc 102,42 trong ngày 21-12, nhưng chỉ một ngày sau đó, đồng USD lại giảm 0,61%, xuống mốc 101,80 trong bối cảnh chứng khoán Mỹ phục hồi sau đợt bán tháo ngày hôm trước. Ngoài ra, dữ liệu công bố hôm 21-12 cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ tăng với tốc độ hằng năm là 4,9% trong quý trước, được điều chỉnh giảm so với mức 5,2% được báo cáo trước đó.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, chỉ số DXY tiếp tục giảm 0,13%, xuống mốc 101,71, sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục hạ nhiệt, ủng hộ quan điểm rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất trong năm tới. Theo đó, trong 12 tháng tính đến tháng 11, lạm phát, được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), giảm từ mức 2,9% trong tháng 10 xuống mức 2,6%. Chỉ số DXY đang trên đà kết thúc năm với mức giảm khoảng 2%.

Ở một diễn biến ngược lại, đồng Euro tăng nhẹ sau khi nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Bostjan Vasle hồi đầu tuần nhấn mạnh rằng, ECB sẽ cần thêm thời gian để đánh giá lại triển vọng chính sách của mình, và kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3 hoặc tháng 4-2024 là quá sớm. Đồng bảng Anh tăng 0,09% lên 1,2703 USD khi dữ liệu mới công bố cho thấy doanh số bán lẻ của Anh trong tháng 11 đã tăng nhiều hơn dự kiến, nhưng GDP quý III được điều chỉnh thấp hơn.

 Tỷ giá USD hôm nay 24-12-2023: Đồng USD thế giới giảm, trong nước tăng. Ảnh minh họa: Reuters

Tỷ giá USD trong nước hôm nay

Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 24-12, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng tuần 33 đồng, hiện ở mức: 23.915 đồng.

* Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.060 đồng.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:

Tỷ giá USD

Mua vào

Bán ra

Vietcombank

24.030 đồng

24.400 đồng

Vietinbank

24.030 đồng

24.450 đồng

BIDV

24.115 đồng

24.415 đồng

* Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 25.009 đồng – 27.642 đồng.

Tỷ giá Euro tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:

Tỷ giá Euro

Mua vào

Bán ra

Vietcombank

25.966 đồng

27.392 đồng

Vietinbank

26.043 đồng

27.333 đồng

BIDV

26.265 đồng

27.404 đồng

MINH ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.