Đồng USD đã chốt phiên tuần ở mức giảm nhẹ 0,56%. Tuy nhiên, trong tuần qua, đồng bạc xanh bật tăng mạnh ở mức 0,91%.
Những ngày đầu tuần, đồng USD ghi nhận mức tăng đáng kể với việc “chọc thủng” mốc 108, trong khi đồng Euro tiếp tục giảm mạnh, gần về mức ngang giá với đồng bạc xanh.
 |
Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong tuần qua. Ảnh: Marketwatch. |
Việc đồng USD tăng giá đến từ kỳ vọng của các nhà đầu tư về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng lạm phát tăng nóng. Theo đó, Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 26 và 27-7 của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Ngoài ra, các nhà đầu tư dự báo Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tiếp tục mạnh tay hơn so với các ngân hàng trung ương khác, vốn đang phải đối mặt với vấn đề tăng trưởng.
Dù giảm đôi chút vào ngày 14-7 khi dữ liệu mới công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ - thước đo lạm phát chính - đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái mức tăng mạnh nhất trong hơn bốn thập kỷ, nhưng đồng USD sớm tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày hôm sau trong bối cảnh các nhà giao dịch đã đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất mạnh hơn nữa, ở mức 100 điểm cơ bản. Tuy nhiên, có thời điểm trong ngày 14-7, đồng bạc xanh đã tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ là 109,29, con số cao nhất kể từ tháng 9-2002.
Đến ngày giao dịch cuối cùng của tuần, đồng bạc xanh mất mốc 108 khi giảm còn 107,98 với việc các nhà đầu tư giảm kỳ vọng về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản, sau khi hai trong số các quan chức Fed cho biết họ ủng hộ mức tăng 75 điểm cơ bản trong lần điều chỉnh tới.
Ở một diễn biến ngược lại, đồng Euro tiếp tục gặp áp lực từ việc Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2011 trong cuộc họp diễn ra vào tuần tới. Đồng tiền chung của châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm và tiến gần đến mức ngang bằng với đồng bạc xanh, do lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra sẽ đẩy nền kinh tế khu vực rơi vào tình trạng suy thoái. Bên cạnh đó, đồng tiền này còn bị ảnh hưởng bởi đường ống duy nhất chuyên chở khí đốt của Nga đến Đức là Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) bắt đầu được bảo trì định kỳ trong 10 ngày, bắt đầu từ 11-7, đang khiến giới chức Đức lo ngại việc ngừng hoạt động có thể bị kéo dài do vấn đề căng thẳng giữa Nga và Ukraine, từ đó đe dọa đến an ninh năng lượng của Đức cũng như châu Âu.
Trong khi đó, đồng USD lại giảm 0,27% so với đồng yên Nhật, sau khi chạm mức cao nhất trong 24 năm vào ngày 14-7, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản duy trì lập trường ôn hòa, trái ngược với các động thái diều hâu của các ngân hàng trung ương khác. Ngoài ra, đồng AUD lại tăng 0,60%, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào phiên giao dịch 15-7, do xuất hiện lo ngại về viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu.
 |
Tỷ giá USD hôm nay 17-7: Đồng USD tiếp đà tăng, cán mốc 109. Ảnh minh họa: CNBC. |
Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 15-7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng nhẹ ở mức: 23.225 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào, bán ra giữ nguyên ở mức: 22.550 đồng - 23.400 đồng.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:
Vietcombank: 23.300 đồng - 23.580 đồng
VietinBank: 23.233 đồng - 23.673 đồng
Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ ở mức: 22.569 đồng – 23.965 đồng.
Tỷ giá Euro tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:
Vietcombank: 23.147 đồng - 24.198 đồng
VietinBank: 22.811 đồng - 24.101 đồng
MINH ANH