 |
Khu nuôi heo chuẩn bị xuất chuồng. |
Đến cổng, chúng tôi tiếp tục phải điền vào tờ khai (họ tên, nơi công tác, có mắc bệnh truyền nhiễm không, trước đó có thăm trang trại hay khu nuôi lợn nào không...). Phụ trách trại chăn nuôi giải thích đây là quy định bắt buộc nhằm ngăn ngừa các dịch bệnh cho đàn lợn. Đặc biệt, nếu muốn vào khu nuôi lợn nái, bạn phải lưu lại ít nhất 48 giờ tại trại để theo dõi tình trạng sức khỏe. Quy định này áp dụng không chỉ với khách và cả với cán bộ, nhân viên, lao động tại trang trại mỗi khi ra vào trại. Tiếp theo, đồ nghề của chúng tôi (máy ảnh, máy ghi âm, sổ, bút...) đều được xếp vào một chiếc rổ nhựa để đem đi chiếu tia cực tím. Từng người một được hướng dẫn đi ủng lội qua vũng nước khử trùng ở cổng kèm màn phun khử trùng sơ bộ. Chưa hết, khi qua cổng, chúng tôi lại được hướng dẫn vào từng phòng thay đồ rồi lội qua phòng zích zắc có dàn phun thuốc sát trùng. Vượt phòng sát trùng, chúng tôi sang phòng tắm nước nóng, có xà phòng, nước gội đầu, khăn tắm. Sau khi mặc những bộ đồ màu trắng, đi ủng, chúng tôi được nhận lại đồ nghề rồi vào văn phòng để nghe giới thiệu về trang trại và quy trình chăn nuôi...
Vài thông số mà chúng tôi ghi được: Trang trại được khởi công ngày 5-11-2016, hoạt động chăn nuôi từ 24-12-2017, tổng diện tích 200ha, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, tổng công suất của trang trại là 230.000 con lợn thịt/năm phục vụ nhà máy chế biến của tập đoàn tại tỉnh Hà Nam. Trung bình cứ 2,25kg thức ăn cho 1kg tăng trọng của heo. Quy trình chọn giống đạt chuẩn, chăn nuôi khép kín (sử dụng chuồng kín), sử dụng thức ăn do nhà máy của tập đoàn cung cấp bảo đảm không chứa chất cấm và thuốc kháng sinh, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch toàn cầu (Global GAP), truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nước thải chăn nuôi đạt tiêu chuẩn được tái sử dụng để rửa chuồng, khí gas phát sinh từ chất thải chăn nuôi được thu gom để sử dụng chạy máy phát điện. Hệ thống xử lý chất thải được tự động hóa, công suất xử lý 2.500m3/ngày đêm, 40-50 tấn phân, bùn ngày đêm... Sau khi nghe giới thiệu, chúng tôi ra ô tô của trang trại để đi thăm khu xử lý chất thải và tới cổng khu chăn nuôi lợn thịt, cũng là nơi xuất, vận chuyển lợn tới nhà máy chế biến. Anh quản lý trang trại cho biết: "Khi đã ra khỏi trung tâm trang trại, nếu muốn trở lại khu văn phòng, khu chăn nuôi thì lại phải tắm sát trùng". Một nhân viên chăn nuôi ở trang trại thổ lộ: "Ở đây, có ngày chúng tôi phải tắm tới 2 đến 3 lần". Thế mới biết để nuôi lợn, phòng dịch bệnh cho lợn, các quy trình bảo đảm vệ sinh nghiêm ngặt đã được áp dụng trại chăn nuôi của Công ty TNHH MNS FARM Nghệ An như thế nào.
Tất cả các chuồng nuôi đều có hệ thống để giữ ấm cho lợn về mùa đông, làm mát về mùa hè để lợn phát triển, tăng trọng tốt. Hệ thống này được nhập khẩu từ châu Âu. Sang khu nuôi lợn thịt, chúng tôi thấy những con lợn trắng hồng với trọng lượng từ 110 đến 115kg/con, vào chuồng nuôi lợn nhưng hầu như không thấy mùi hôi như cách nuôi truyền thống.
Nhà máy chế biến thịt MNS Meat Hà Nam tại Khu công nghiệp Đồng Văn 4, tỉnh Hà Nam của Tập đoàn Masan với dây chuyền máy móc theo công nghệ của châu Âu thuộc loại tiên tiến nhất thế giới, công suất giết mổ 240 con/giờ, gần 3.840 con lợn/ngày, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Lợn sau khi được giết mổ, làm sạch, lấy nội tạng sẽ được đưa vào kho lạnh với nhiệt độ - 20 độ C; sau 24 tiếng, sẽ được đưa ra khu pha lóc, đóng hộp với nhiệt độ 4-6 độ C. Nhiệt độ này được duy trì trong suốt quá trình sản phẩm từ nhà máy đến siêu thị, cửa hàng phân phối trước khi tới tay người tiêu dùng theo tiêu chuẩn thịt mát.
Thăm trang trại và nhà máy chế biến thịt của Tập đoàn Masan mới thấy nuôi heo thời hội nhập, đặc biệt là chăn nuôi theo chuỗi khép kín để cạnh tranh, phát triển cũng lắm công phu, không chỉ cần sự đầu tư lớn (riêng trang trại chăn nuôi và nhà máy chế biến đã có số vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, chưa tính nhà máy chế biến thức ăn) bài bản, mà quy trình sản xuất chế biến cũng phải hết sức nghiêm ngặt mới có cơ hội thành công.
Bài và ảnh: DIỆP ANH