Phát biểu tại hội thảo, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam chính là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra yêu cầu về “Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”; “khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội”, và “Khuyến khích làm giàu theo pháp luật… gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội”.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội thảo. 

Hiện nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) được hiểu là mang tính khuyến khích, còn thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) là mang tính bắt buộc, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các chủ thể liên quan, như: Người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng dân cư chịu tác động từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, như: Phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm. Đây là trách nhiệm chính của doanh nghiệp; tuy nhiên, Nhà nước và xã hội cũng có trách nhiệm để thúc đẩy và bảo đảm tuân thủ.

Theo Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen, Việt Nam nằm trong số 7 quốc gia châu Á đang trong quá trình thực hiện các nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người, thông qua việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tin, ảnh: HỒNG UYÊN