Thị trường tăng mạnh thứ hai trên thế giới

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước cho biết, các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đều đánh giá Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021 và khẳng định đây là mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN. Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số liên tiếp lập đỉnh cao mới, đưa TTCK Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh thứ hai trên thế giới. Chỉ số VN-Index đạt 1.408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục bùng nổ, cán mốc trên 1 tỷ USD/phiên nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt thị trường. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đạt mức cao kỷ lục. 6 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đã tăng 58% so với cả năm 2020.

Các mã cổ phiếu ngân hàng góp phần cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán nước ta. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam.

TTCK phái sinh tiếp tục là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả với khối lượng giao dịch bình quân đạt 188.865 hợp đồng/phiên, tăng 20% so với năm trước. TTCK phái sinh đã có thêm sản phẩm mới là hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm. Bên cạnh đó, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm ngày càng thu hút đông đảo công chúng đầu tư. Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Đến nay, mức vốn hóa thị trường đạt 6.838.000 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cuối năm 2020, tương đương 108,7% GDP. Tổng mức huy động vốn thực tế trên TTCK 6 tháng đầu năm ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa ước đạt 26.857 tỷ đồng, tăng 197%; huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng ước đạt 8.394 tỷ đồng, giảm 23%; huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ tăng 63%, với giá trị đạt 141.493 tỷ đồng.

Giá trị khớp lệnh đạt trên 29.000 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB nhận định, phiên giao dịch ngày 12-7 đã ghi nhận thanh khoản lập kỷ lục với giá trị khớp lệnh đạt hơn 29.049 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch ngày 29-7, thị trường trong nước phục hồi ngày càng mạnh mẽ, bất chấp thanh khoản vẫn ở mức thấp. Đây cũng là phiên tăng thứ tư liên tiếp và đà tăng cũng mạnh nhất trong 4 phiên vừa qua. Mặc dù thanh khoản thấp và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhưng độ rộng thị trường tiếp tục ở trạng thái tích cực nhờ các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép... Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29-7, chỉ số VN-Index tăng 16,53 điểm lên 1.293,6 điểm, trong đó, chỉ số VN30 cũng tăng 20,05 điểm lên 1.427,55 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 227 mã tăng/125 mã giảm, ở rổ VN30 có 23 mã tăng, 4 mã giảm và 3 mã giữ tham chiếu. Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang hình thành mô hình đảo chiều với vùng giá mục tiêu có thể hướng tới 1.325 điểm. Nhà đầu tư có thể tranh thủ các nhịp võng trong phiên để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Trao đổi với phóng viên, chị Phạm Thu Hằng ở phố Yên Lãng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Với nhiều năm kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, tôi nhận thấy TTCK nước ta đã có sự tăng trưởng vượt bậc từ mốc 666,59 điểm (tháng 3-2020) lên mức đỉnh 1.408,55 điểm (tháng 6-2021). Điều đó cho thấy tiềm năng từ thị trường này của nước ta rất lớn, nhất là khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Tuy nhiên, thời gian gần đây, TTCK Việt Nam xuất hiện một số phiên giảm điểm do tác động từ thị trường thế giới, khi đó, các nhà đầu tư không nên vội bắt đáy mà cần ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin (giao dịch ký quỹ), không bình quân giá”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đề nghị UBCK Nhà nước trong 6 tháng cuối năm cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, bao gồm: Đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững, thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phục hồi và phát triển mạnh mẽ; hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giao dịch, thanh toán nhằm triển khai các sản phẩm tài chính mới, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với TTCK theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, bảo đảm hoạt động ổn định của khu vực tài chính quốc gia. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật của thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bài và ảnh: ANH VIỆT - HỮU CHUNG