Tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã trình bày những đánh giá chung về cải cách hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, một số kết quả tích cực ta đã đạt được có thể kể đến như: Số mặt hàng phải thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm từ 100.000 (năm 2015) xuống còn 78.000, tỉ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan chỉ còn 19,4%. Ngoài ra, tính đến tháng 6-2020 đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối với 198 thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa.
 |
Ảnh minh họa/ TTXVN. |
Tuy nhiên, những thay đổi trên vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp. Trong gần 2 năm, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã tăng lên hơn 120 văn bản, điều đó đã gây khó khăn, lúng túng cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật và áp dụng. Trong khi đó, chất lượng văn bản còn chưa cao, thường xuyên thay đổi, điều chỉnh, thậm chí có quy định ở văn bản mới còn mâu thuẫn và trái ngược với quy định của pháp luật hiện hành. Nhiều lĩnh vực chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc “quản lý rủi ro” trên cơ sở mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.
 |
Quang cảnh hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu đại diện ngành thủy sản cũng đã trình bày những vướng mắc mà ngành này đang mắc phải, có thể kể đến những vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài đối với hàng xuất khẩu, vướng mắc về việc áp dụng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, những bất cập về mức thu phí công đoàn. Ngoài ra, nhiều yêu cầu mới gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu như yêu cầu phải ghi tên thương nhân lên nhãn gốc, yêu cầu ghi nhãn dinh dưỡng lên tới 8 thông số…
Trước những bất cập trên, các đại biểu đã đề xuất một số kiến nghị nhằm cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể đó là: Coi trọng cải cách, đơn giản hóa, tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục; tiếp tục thực hiện cải cải cách phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của các hiệp định thương mại; tăng cường đối ngoại với doanh nghiệp; thực hiện các đánh giá độc lập; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chia sẻ và thảo luận chính sách.... Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng chỉ đạo sát sao việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra ở các nghị quyết có liên quan.
Tin, ảnh: LƯU PHƯƠNG ANH