Gia đình anh Huân vốn đã có nghề nuôi hươu sao nên khi trở về quê hương, vợ chồng anh quyết định thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Nhung hươu Việt. Gia đình đầu tư hơn 2 tỷ đồng vào việc xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm từ hươu, với hai sản phẩm chính: Cao xương hươu Việt Gold và bột nhung hươu Việt Gold. Nhà máy ước đạt công suất 100 nghìn sản phẩm/năm. Hiện gia đình đang nuôi hơn 20 con hươu sao. Công ty của cặp vợ chồng trẻ này tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Chăn nuôi hươu trở thành nghề chủ lực của nhiều hộ dân ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). 

Năm 2014, Sơn Châu là xã đầu tiên về đích nông thôn mới ở huyện Hương Sơn, hiện nay cũng là xã thuộc tốp đầu của huyện về nghề nuôi hươu. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Châu cho biết: “Sơn Châu hiện có tổng đàn hươu là hơn 2.100 con. Sản lượng nhung hươu trung bình 1,2 tấn/năm, tổng trị giá hơn 13 tỷ đồng, trung bình hằng năm xuất gần 700 con hươu giống, tổng trị giá gần 10 tỷ đồng. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người là gần 43 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 2,3%, thấp hơn mức trung bình của tỉnh và huyện. Từ nghề chăn nuôi mũi nhọn này, nhiều gia đình trong xã đã xây dựng được nhà cửa, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, nuôi con cái ăn học trưởng thành”.

Huyện Hương Sơn có điều kiện tự nhiên phù hợp với sự phát triển của con hươu. Nghề nuôi hươu sao ở đây đã có từ lâu. Trước đây, hươu được xem là vật nuôi “quý tộc”, từ thập niên 1990 trở đi, hươu mới được nuôi phổ biến. Đặc biệt, từ năm 2006, khi Huyện ủy Hương Sơn ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HU ngày 26-3-2006 về phát triển chăn nuôi, trong đó tập trung chỉ đạo phát triển nghề nuôi hươu, tổng đàn hươu có sự tăng trưởng vượt bậc.

Từ hiệu quả của con hươu và các cơ chế, chính sách phù hợp của huyện Hương Sơn, của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tổng đàn hươu Hương Sơn những năm gần đây không ngừng tăng trưởng và trở thành vật nuôi chủ lực của địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững. Hiện nay, toàn huyện Hương Sơn có hơn 36.000 con. Sản lượng nhung hằng năm đạt hơn 15 tấn. Toàn huyện có 2.500 mô hình kinh tế, trong đó có 148 mô hình có doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.

Về chiến lược phát triển con hươu tại địa phương, ông Nguyễn Viết Dũng, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Sơn cho biết: Để đưa nghề chăn nuôi hươu ngày càng phát triển, ngoài chính sách của tỉnh, hằng năm, huyện thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi mở rộng quy mô chuồng trại, mua con giống; hỗ trợ tập trung sơ chế, chế biến, quảng bá sản phẩm. Từ nhiều năm trước, huyện có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí để kích cầu đối với những hộ chăn nuôi mới từ 20 con hươu trở lên. Với cách đầu tư bài bản, có hệ thống, từ một nghề chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, người dân Hương Sơn đã biết mở rộng quy mô, liên kết sản xuất để phát triển bền vững nghề nuôi hươu truyền thống của địa phương.

Bài và ảnh: LÂM SƠN