Nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng

Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tết Nguyên đán Quý Mão diễn ra trong tháng 1-2023, nên số ngày làm việc ít hơn 8-10 ngày so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong tháng trước để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp tháng 1-2023.

Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1-2023 giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, đáng chú ý, chỉ số sản xuất tháng 1-2023 của một số ngành trọng điểm cấp 2 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy); sản xuất xe có động cơ; sản xuất trang phục; sản xuất thiết bị điện...

Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành tăng, như: Sản xuất đồ uống; khai thác, xử lý và cung cấp nước; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị...

leftcenterrightdel
Tháng 1-2023, nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương 

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1-2023 so với cùng kỳ năm trước giảm ở 30 địa phương và tăng ở 33 địa phương trên phạm vi cả nước chủ yếu do tác động tăng, giảm của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện. 

Một số tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm như: Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương, Quảng Bình... Đây đều là các địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn. Khi chỉ số sản xuất công nghiệp của các địa phương này giảm mạnh đã ảnh hưởng đến chỉ số sản xuất công nghiệp nói chung của toàn nền kinh tế. 

Nếu xét riêng về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhiều địa phương có mức giảm mạnh, phần lớn do doanh nghiệp chưa có đơn hàng; chẳng hạn ở Quảng Nam, Hà Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai... 

Ngược lại, cũng có một số địa phương có chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1-2023 tăng so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, Tuyên Quang tăng 34,5%; Hậu Giang tăng 10,5%; Phú Yên tăng 8,9%; Kon Tum tăng 7,8%; Nghệ An tăng 7%. 

Phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia 

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, để ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu; kích cầu tiêu thụ trong nước. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng mới, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; chú trọng hơn đến việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chế độ giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường; tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới... 

Còn theo Bộ Công Thương, để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2023, Bộ sẽ triển khai tích cực Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương. Trên cơ sở đó, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam.

Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Cụ thể, theo Tờ trình của Bộ Công Thương về Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến 2030 gửi Chính phủ, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030... 

MINH AN