Khai mạc tọa đàm, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định, đất nước ta đã và đang từng bước thích ứng linh hoạt, an toàn kết hợp với phòng, chống hiệu quả đại dịch Covid-19, cuộc sống đang dần trở lại bình thường. 

Tuy nhiên, công cuộc phục hồi kinh tế-xã hội đất nước còn đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, tình hình chính trị và kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy. Tất cả đang tạo ra những thách thức rất to lớn, nhưng đồng thời cũng chứa đựng nhiều cơ hội mới cho đất nước trỗi dậy, phát triển mạnh hơn.

“Trong một bối cảnh thế giới biến động như vậy, chúng ta lại càng thấy rõ hơn sự sáng suốt và đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi luôn luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường, coi đây là phương châm hành động trong quá trình lãnh đạo cách mạng và dân tộc Việt Nam. Đó chính là sự tiếp nối truyền thống tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc ta trong suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước”, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ khẳng định.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Nhật Minh 

Ở góc độ nghiên cứu, PGS, TS Nguyễn Ngọc Toàn, Phó viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Để phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước đã chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; chuyển từ dựa chủ yếu vào lao động, đầu tư và khai thác tài nguyên sang dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh. Từ đó, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vận dụng linh hoạt, thận trọng các chính sách kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đảng và Nhà nước cũng đã chủ trương tích cực và chủ động hội nhập để đổi mới và phát triển, để nâng cao thế và lực của đất nước, từ đó giữ vững độc lập, tự chủ.

Tuy nhiên, theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Toàn, dù có nhiều cải thiện, nhưng năng lực nội sinh và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn thấp; chưa tận dụng hiệu quả các cơ hội có được từ hội nhập kinh tế quốc tế… Trong khi đó, vì nền kinh tế có độ mở cao, tỷ trọng xuất nhập khẩu trên GDP lớn nên Việt Nam dễ chịu tác động bởi các cú sốc, các biến động kinh tế thế giới trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng diễn biến phức tạp. 

Mặt khác, Việt Nam còn là quốc gia chịu phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn nước ngoài nhưng liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước còn yếu, lan tỏa công nghệ, tri thức của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài còn thấp. Do đó, để giữ vững độc lập, tự chủ, Việt Nam cần phải đa dạng hóa các mối quan hệ, tranh thủ tốt các thể chế kinh tế đa phương, tránh rủi ro phụ thuộc vào một quốc gia, một thị trường.

TRẦN YẾN