Thông tin tại tọa đàm cho thấy, sau hơn 2 năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã thể hiện rõ những hiệu quả tích cực tới tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước châu Âu (EU). Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa hơn nữa. Song, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU mới chỉ chiếm 2% thị phần; có nhiều sản phẩm Việt Nam đang được xuất khẩu vào thị trường EU nhưng lại đứng dưới tên thương hiệu của quốc gia khác.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham gia Tọa đàm “Xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA”.

Nguyên nhân được cho là do doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thương hiệu tại thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp lại thường tập trung vào tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nên việc nhận thức về vai trò của phát triển thương hiệu thường không được quan tâm đúng đắn. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm, năng lực chế biến cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp cũng được cho là còn hạn chế.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), EU là thị trường xúc tiến xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn có điều kiện và cơ hội để lan tỏa thương hiệu cũng như sản phẩm tại các thị trường khác trên thế giới. Chính vì vậy, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã ưu tiên nhiều hoạt động trọng tâm với thị trường EU nhằm giúp cho doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại thị trường này...

Để phát triển được thương hiệu với thị trường, các ý kiến tại tọa đàm cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng nghiên cứu kỹ về thị trường của EU, xem thị trường đó có nhu cầu như thế nào, có những yêu cầu ra sao để sản xuất được những sản phẩm mà thị trường EU cần chứ không phải bán những cái sản phẩm mà chúng ta có. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần phải thay đổi những tư duy đối với việc kinh doanh tại thị trường EU, đó là phải thấu hiểu văn hóa của thị trường EU, thấu hiểu các tập quán kinh doanh của khối thị trường này và cần phải thay đổi một tư duy bán hàng. Sản phẩm ngoài việc hợp nhãn với người tiêu dùng EU nhưng cũng cần mang những bản sắc của Việt Nam để giúp cho việc định vị thương hiệu, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp sẽ tốt hơn ở thị trường này.

Tin, ảnh: VŨ DUNG