Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực (1-8-2020). Sau hơn 2 năm đi vào thực thi, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam-EU liên tục tăng trưởng kể cả trong giai đoạn đại dịch. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU giai đoạn từ tháng 8-2020 tới tháng 7-2022 đạt 83,4 tỷ USD (trung bình 41,7 tỷ USD/năm), cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019. EU trở thành đối tác thương mại hàng đầu và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.
Dù doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng tăng tốc nhưng hàng hóa Việt Nam cũng mới chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần của thị trường EU. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội và chưa tận dụng được triệt để lợi thế “cuộc chơi” từ EVFTA.
 |
Các khách mời chia sẻ tại Tọa đàm Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu.
|
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, EU là thị trường có sức mua cao, thị trường tiềm năng lớn và đặc biệt khi có một FTA tiềm năng và hiệu quả như là EVFTA, EU trở thành một thị trường rất hấp dẫn dành cho doanh nghiệp Việt Nam. Sau hơn hai năm đi vào thực thi, EVFTA đã mang lại những kết quả tích cực, song dư địa còn rất lớn. Cụ thể, thị phần của nhiều mặt hàng chiến lược của chúng ta như thủy sản, rau quả là thế mạnh nhưng thị phần vẫn còn rất thấp. Trong đó, rau quả khoảng hơn 2-3%, thủy sản khoảng hơn 4%, kể cả may mặc cũng chỉ 4%.
 |
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên chia sẻ tại tọa đàm.
|
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ thêm, trong hai năm đầu thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình khoảng 41,7 tỷ USD/năm và cao hơn mức trung bình năm 33,5 tỷ USD của giai đoạn 2016-2019. Tuy nhiên, nếu xét về tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, cách đây khoảng 10 năm chiếm khoảng 19%-20% nhưng đã giảm dần và đến năm 2021 tỷ trọng này chỉ còn khoảng 12%. Theo khảo sát của VCCI, lý do lớn nhất của tình trạng trên là nhiều doanh nghiệp chưa từng có giao dịch nào với thị trường EU, cho nên không hưởng lợi từ hiệp định này. Ngoài ra, do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế nên chưa gia tăng xuất khẩu tại thị trường khó tính này.
Để hàng hóa hiện diện tốt hơn tại thị trường EU, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, cần làm tốt hơn hoạt động xúc tiến thương mại theo cách chuyển từ việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm của doanh nghiệp sang xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng. Đối với công tác kết nối, hiện nay, một số thương vụ của Việt Nam đang làm tốt công việc kết nối này và đã bước đầu mang lại cái kết quả rất tích cực. Đây là hình thức nên tiếp tục được mở rộng để cho nhiều doanh nghiệp khác được hưởng lợi...
Tin, ảnh: VŨ DUNG