Tại cuộc họp báo, đại diện các cơ quan báo chí quan tâm tới tình hình đăng ký doanh nghiệp mới thành lập trong tháng 5, như báo cáo đã có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ năm trước, vậy những tín hiệu tích cực này là gì?

Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin, tình hình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp là vấn đề nóng hổi được xã hội và dư luận quan tâm. Đặc biệt trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế -xã hội vừa qua tại Quốc hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến tình hình doanh nghiệp. Cụ thể, về tình hình đăng ký kinh doanh tháng 5 khá tích cực, thể hiện qua những con số. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp gia nhập thị trường, quay trở lại hoạt động trong tháng 5 đạt 20.000 doanh nghiệp, gấp 1,7 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Trần Quốc Phương trả lời về tình hình đăng ký doanh nghiệp. Ảnh: QUANG THƯƠNG

Nhìn nhận tổng thể hơn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, khi tính chung cả 5 tháng, xu hướng cho thấy số lượng doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường nhiều hơn so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cụ thể doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập là 98.800 doanh nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.300 doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này cho thấy, dù có cải thiện nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại Quốc hội đã chỉ ra nhiều nguyên nhân cũng như những yếu tố tác động đến quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với tình hình đăng ký doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn theo dõi chặt chẽ và báo cáo định kỳ với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trên tinh thần các tín hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế, về đăng ký doanh nghiệp mới tăng thêm. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi bối cảnh còn rất nhiều khó khăn.

Do vậy, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ sáng 1-6, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo những giải pháp hết sức cụ thể và thiết thực, để tập trung cho từng lĩnh vực.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: QUANG THƯƠNG

Cụ thể là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề cải cách thủ tục hành chính để làm sao các doanh nghiệp thuận lợi hơn, giảm chi phí tuân thủ có thể gia nhập thị trường thuận lợi.

Tiếp đến là cải thiện yếu tố đầu vào, trong đó hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ bao gồm: Tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định (có thể phải giảm để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới) và tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra.

Đặc biệt, liên quan đến thị trường xuất khẩu của nước ta, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy các giải pháp để các doanh nghiệp sớm có các đơn hàng mới tăng thêm để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

VŨ DUNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.