Cuộc làm việc nhằm kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của năm 2018; kiểm tra công tác cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp.
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch Tập đoàn Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết, từ năm 2017 tới nay, Petrolimex có 9 công việc, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và Petrolimex đã nghiêm túc nghiên cứu và tổ chức triển khai quyết liệt đồng bộ. Tập đoàn đã hoàn thành đúng hạn 6 nhiệm vụ, 3 nhiệm vụ đang thực hiện triển khai trong thời hạn.
 |
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng, phát biểu tại buổi kiểm tra. |
Báo cáo với đoàn công tác, ông Phạm Văn Thanh cũng cho biết, sau khi hoàn thành công tác cổ phần hóa và tái cấu trúc (năm 2011), hoạt động kinh doanh của tập đoàn ngày càng hiệu quả. Cụ thể, tại thời điểm chuyển từ Công ty Nhà nước sang công ty cổ phần, vốn điều lệ của Tập đoàn là 10.700 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước của Petrolimex tại thời điểm bàn giao (1-12-2017) là hơn 9.700 tỷ đồng, giá trị vốn hóa của Petrolimex tại thời điểm này khoảng hơn 16.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, giá trị vốn hóa của Petrolimex khoảng 90.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD), tăng 5,6 lần so với thời điểm cổ phần hóa và lọt vào danh sách tốp 30 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, tốp 40 thương hiệu trị giá nhất Việt Nam.
Riêng kết quả kinh doanh 8 tháng, ông Phạm Văn Thanh cho biết, Petrolimex đã hoàn thành 90% kế hoạch nộp ngân sách Nhà nước. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 8 tháng là 3.430 tỷ đồng; nộp ngân sách 29.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018, tập đoàn này ghi nhận doanh thu 158.000 tỷ đồng, lãi hợp nhất 5.000 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 31.800 tỷ đồng.
Làm việc với tổ công tác, Petrolimex kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhãn hiệu, tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn nguồn xăng dầu thẩm lậu, không rõ nguồn gốc để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và chống thất thu ngân sách Nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đối với tái cấu trúc doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn, Petrolimex đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo phương án giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại Petrolimex, giãn thời hạn thoái vốn đến năm 2019-2020 và tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa lên 49%. Đặc biệt, Petrolimex đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng cảng dầu B12, Bãi Cháy, Quảng Ninh tối thiểu trong 10 năm tới; đồng thời cho phép dừng thực hiện dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong, Khánh Hòa….
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, đánh giá cao kết quả hoạt động của Petrolimex song ông Nguyễn Cao Lục đề nghị Petrolimex cần nỗ lực hoàn thành 3 nhiệm vụ trong tổng số 9 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao từ đầu năm 2017 đến nay. Theo đó, đại diện Tổ công tác đề nghị thời gian tới, trong công tác đầu tư, Tập đoàn cần bảo đảm đúng định hướng, bảo đảm phát triển bền vững, cân nhắc phân bổ nguồn lực tránh dàn trải; thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra. Cùng với đó, các ý kiến thành viên Tổ công tác cũng đề nghị Tập đoàn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng lực điều hành, cải cách hành chính, giảm chi phí; làm tốt công tác giữ gìn thương hiệu và chống gian lận thương mại.
Tin, ảnh: VŨ DUNG