Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, phải làm sao để đời sống nông dân khá hơn, doanh nghiệp phát triển tốt, thị trường ổn định trong môi trường cạnh tranh cao. Đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ và sự chỉ đạo, điều hành của các địa phương trong vùng, đặc biệt là bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long miệt mài, cần cù “một nắng, hai sương” trên đồng ruộng, Thủ tướng cũng ghi nhận vai trò của các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ gạo thời gian qua, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển ngành sản xuất lúa gạo của cả nước. Song, Thủ tướng cũng nhìn nhận, hiệu quả trồng lúa còn thấp. Trên vựa lúa lớn nhất của đất nước, người nông dân bao đời nay cũng chỉ lấy công làm lãi.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm lúa gạo tại Hội nghị "Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long".  
Thủ tướng nêu rõ, lúa gạo ở Việt Nam đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được khẳng định là vấn đề bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mang tầm quốc tế. Lúa gạo đóng vai trò không thể thay thế trong nông nghiệp Việt Nam-trụ đỡ của nền kinh tế với giá trị xuất khẩu từ nông nghiệp chiếm hơn 32 tỷ USD năm 2016; đồng thời có tới 70% dân số cả nước sống ở nông thôn; gần 50% lao động cả nước thuộc lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Lúa gạo còn là một trong những loại nông sản chiến lược mà Việt Nam có lợi thế hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, nếu áp dụng sản xuất lớn, kết hợp chế biến sâu, tiếp thị tốt thì hiệu quả kinh tế ngành lúa có thể tăng nhiều lần và tiếp tục sinh lợi cao. Thêm vào đó, xét về điều kiện sinh thái, khó có cây trồng nào có thể thay thế được diện tích lúa trên quy mô lớn ở Việt Nam. Đặc biệt, nếu có giải pháp khoa học công nghệ tốt còn có thể kết hợp trồng lúa với cây màu, nuôi trồng thủy sản phù hợp với biến đổi khí hậu.

Từ đó, Thủ tướng nêu vấn đề, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đang đứng trước "giờ G" của công cuộc đổi mới. Việc này đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng chính sách pháp luật đến cấu trúc vận hành, công nghệ sản xuất. Bởi vậy, ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới đi kèm những hoạch định chiến lược phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, để hạt gạo Việt Nam đáp ứng sâu sắc nhu cầu tiêu dùng châu Á và thế giới; đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người trồng lúa ở Việt Nam và các doanh nghiệp lúa gạo.

Việt Nam sẽ không chỉ là quốc gia xuất khẩu lúa gạo đạt mức kim ngạch hàng đầu thế giới mà phải phấn đấu trong 10 đến 20 năm tới, hạt gạo do người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra sẽ đem lại những giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng một cách tinh tế các nhu cầu và tiêu chuẩn phổ quát về dinh dưỡng và dược liệu, góp phần củng cố danh tiếng của một trong những nền văn minh nông nghiệp lâu đời nhất của thế giới. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị đổi mới toàn diện ngành sản xuất lúa gạo bằng những giải pháp đột phá về thể chế chính sách và cả mô hình phát triển. Thủ tướng gợi mở, đầu tiên là phải thay đổi quy mô từng nông hộ bằng cách mở rộng hạn điền một cách phù hợp.

Thủ tướng nêu rõ, phải giữ đất lúa nhưng xem xét lại mùa vụ, xen canh cùng với đất lúa trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học. Không có chủ trương sử dụng đất lúa làm sân golf hoặc sử dụng đất lúa làm xây dựng cơ bản.

Đánh giá, quy trình lúa gạo từ nông dân ra đến các nhà máy chế biến còn đi lòng vòng, phí trung gian lớn, Thủ tướng đề nghị các địa phương cần xử lý tốt các vấn đề "cò" lúa, thương lái; cơ cấu hợp lý hơn chi phí lãi vay ngân hàng trong thu mua, chế biến. Ngành hàng lúa gạo cần chú trọng phục vụ tốt hơn thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam, tránh tình trạng "xâm thực" gạo của nước ngoài tại thị trường trong nước.

Về vấn đề thể chế, Thủ tướng gợi ý các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo đuổi một chính sách an ninh lương thực linh hoạt, hợp lý. Các bộ liên quan sớm trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi chính sách mở rộng hạn điền. Trong đó, bồi thường thỏa đáng cho người dân trong thu hồi đất, khuyến khích đầu tư tư nhân vào nông nghiệp; mở rộng quyền sử dụng đất, bảo hộ quyền này cho doanh nghiệp tư nhân; bãi bỏ quy định không cần thiết để thúc đẩy phát triển lúa gạo.

Thủ tướng mong muốn, sau hội nghị này sẽ mở ra một chương mới cho ngành sản xuất lúa gạo của vùng và cả nước, tìm ra được một cách làm mới với năng suất, hiệu quả cao hơn, khắc phục tốt những hạn chế, bất cập thời gian qua.

* Nhân dịp công tác tại An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm mô hình chế biến, sản xuất tại Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang tại huyện Châu Phú. Đây là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu các loại rau quả đông lạnh và đóng hộp. Doanh nghiệp này có 49,4% vốn góp của Nhà nước, hiện có 3 nhà máy chế biến rau quả với tổng công suất thiết kế 20.000 tấn/năm. Năm 2017, công ty đặt mục tiêu doanh thu 336 tỷ đồng.

Tin, ảnh: TTXVN