Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã có Nghị quyết số 78/2014/QH13 về quyết định nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015. Cụ thể: Tổng số thu: 911.100 tỷ đồng; Tổng số chi: 1.147.100 tỷ đồng; Bội chi: 226.000 tỷ đồng, tương đương 5,0% GDP. Các khoản quản lý thu, chi qua NSNN là 109.686 tỷ đồng; các khoản vay về cho vay lại là 40.900 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 11-11-2015, Quốc hội có Nghị quyết số 99/2015/QH13 về dự toán NSNN năm 2016, trong đó bổ sung 30.000 tỷ đồng vốn ODA cho ngân sách năm 2015. Theo đó: Tổng chi NSNN là 1.177.100 tỷ đồng, bội chi NSNN 256.000 tỷ đồng, tương đương 5,71% GDP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Ảnh: quochoi.vn.
Theo Tờ trình, với dự toán thu NSNN 911.100 tỷ đồng, đã quyết toán 998.217 tỷ đồng; tăng 9,6% (87.117 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất và thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước; trong đó tăng chủ yếu của ngân sách địa phương (NSĐP) là 83.763 tỷ đồng. Với dự toán chi NSNN 1.177.100 tỷ đồng (gồm cả 30.000 tỷ đồng được Quốc hội quyết định bổ sung), đã quyết toán 1.265.625 tỷ đồng, tăng 7,5% (88.525 tỷ đồng) so với dự toán.
Ngoài ra, tại Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10-11-2014 và Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11-11-2015, Quốc hội quyết định mức bội chi NSNN 256.000 tỷ đồng, so với GDP dự toán 4.480.000 tỷ đồng, bằng 5,71% GDP; so với GDP thực hiện 4.192.862 tỷ đồng, bằng 6,10%. Quyết toán số bội chi là 263.135 tỷ đồng, tăng 7.135 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định, bằng 6,28% GDP thực hiện, do thực hiện hoàn thuế GTGT theo quy định cao hơn dự kiến khi xây dựng kế hoạch thu là 7.452 tỷ đồng, nên tăng bội chi tương ứng; đồng thời, nhờ có nguồn tiết kiệm chi trong nước 317 tỷ đồng, nên số bội chi NSNN chỉ tăng 7.135 tỷ đồng.
Về nguồn bù đắp: Vay trong nước 195.900 tỷ đồng; vay ngoài nước 67.235 tỷ đồng. Với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi như trên, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 50%, nợ công bằng 61,8%, trong giới hạn theo quy định của Chính phủ và của Quốc hội.
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2015: Tổng số thu cân đối NSNN là 1.291.342 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2014 chuyển sang năm 2015, thu kết dư NSĐP năm 2014, thu huy động đầu tư của NSĐP và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN); Tổng số chi cân đối NSNN là 1.502.189 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016); và bội chi NSNN 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 52.288 tỷ đồng).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Ảnh: quochoi.vn
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2015 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải trình bày cũng đã chỉ ra một số vấn đề về thu NSNN. Đó là, một số khoản thu không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự ổn định, vững chắc; công tác quản lý thu thuế vẫn có mặt hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế còn lớn; việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) chưa kịp thời, dẫn đến quyết toán chưa phản ánh chính xác số thu và bội chi NSNN.
UBTCNS cũng nhận định, công tác quản lý, chấp hành dự toán chi NSNN năm 2015 có tiến bộ, bám sát chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN được tăng cường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công. Bên cạnh kết quả đạt được, UBTCNS nhận thấy công tác quản lý chi NSNN năm 2015 còn một số tồn tại: Chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán; Sai phạm, thất thoát, lãng phí trong chi đầu tư XDCB vẫn xảy ra; nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn; công tác phân bổ, giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển chưa kịp thời, chưa bảo đảm đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật NSNN; chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương còn lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN.
Về bội chi NSNN, theo báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, UBTCNS thống nhất số bội chi NSNN năm 2015 là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP thực hiện (bội chi NSNN năm 2015 được Quốc hội thông qua là 256.000 tỷ đồng, bằng 5,71% GDP kế hoạch và bằng 6,10% GDP thực hiện).
UBTCNS cho rằng, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 của Chính phủ đã được lập, kiểm toán, thẩm tra theo trình tự, thủ tục quy định. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2015 với: Tổng số thu cân đối NSNN là 1.291.342 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước); Tổng số chi cân đối NSNN là 1.502.189 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016); Bội chi ngân sách nhà nước là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương). Nguồn bù đắp bội chi NSNN: vay trong nước là 195.900 tỷ đồng, vay ngoài nước là 67.235 tỷ đồng...
Cũng trong phiên họp chiều 22-5, Quốc hội đã nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
SONG VŨ