Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thăm nhà máy sơ chế ngao (nghêu) tại tỉnh Nam Định.

Nhuyễn thể là động vật thân mềm là một trong những nhóm góp phần quan trọng trong sản xuất thủy sản của thế giới. Định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển là hướng đi chủ yếu của các quốc gia có biển ở thế kỷ 21, trong đó nhóm nhuyễn thể được xem là đối tượng nuôi đang được quan tâm và đầy triển vọng. Nếu phát huy được tiềm năng này sẽ góp phần cải thiện đời sống cộng đồng dân ven biển và nuôi trồng hải sản đang là ngành kinh tế góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Năm 2021 xuất khẩu nhuyễn thể đạt 141,6 triệu USD, tăng 35% so với năm 2020. Trong cơ cấu xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ năm 2021, nghêu (ngao) là sản phẩm chủ lực, chiếm 73% với gần 103 triệu USD, tăng 52% so với năm 2020. Năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể sang thị trường EU tăng mạnh 37% đạt 87 triệu USD, trong đó riêng xuất khẩu sản nghêu tăng 42% với giá trị 78 triệu USD.

 
Sơ chế ngao (nghêu) tại nhà máy của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam tại  tỉnh Nam Định.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay: Ngành hàng nhuyễn thể có tiềm năng lợi thế phát triển vẫn còn lớn với nhiều loài có giá trị kinh tế cao: Ngao, sò điệp, ốc hương, hàu, vẹm, tu hài.... đóng góp  tích cực vào tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Hiện sản phẩm nhuyễn thể của Việt Nam đã xuất khẩu ra thị trường 67 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để ngành hàng nhuyễn thể phát triển bền vững, trong thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng con giống, thực hiện việc nuôi, sơ chế, chế biến nhuyễn thể đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM