Thông tin tại tọa đàm cho biết, ngày 13-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó giao Bộ Công Thương “Chỉ đạo phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, quản lý chợ an toàn thực phẩm”. Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg và Chương trình Mục tiêu Y tế-Dân số năm 2020, thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nội dung về phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

leftcenterrightdel

Các ý kiến chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn” .

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương triển khai rất nhiều hoạt động về tập huấn, tuyên truyền phổ biến cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương, nhất là các Sở Công Thương xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng lồng ghép những hoạt động về an toàn thực phẩm vào những chương trình lớn về kinh tế-xã hội. Chẳng hạn như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối; lồng ghép vào chương trình Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình về phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình hỗ trợ cho phát triển nông thôn mới

Tham gia thảo luận, các ý kiến nhấn mạnh, việc đề ra chính sách xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, để chính sách gắn với thực tiễn của mỗi địa phương, phát huy được sự linh hoạt trong triển khai, từ đó nhân rộng mô hình, cần thiết sự hỗ trợ hơn nữa để ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Về phía người tiêu dùng, sự hiện diện của các hệ thống phân phối thực phẩm an toàn sẽ là sự lựa chọn bảo đảm, giúp cho việc tiêu dùng văn minh, góp phần đẩy lùi nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Thời gian qua các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được nếu bảo đảm được an toàn thực phẩm thì sẽ là cách xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn hiện nay tại các doanh nghiệp chưa đồng đều và toàn diện.

leftcenterrightdel

Bà Lê Việt Nga chia sẻ tại tọa đàm. 

Để xây dựng mạng lưới và chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn, theo bà Lê Việt Nga phải có sự vào cuộc đều tay từ các bộ, ngành và cơ quan chức năng. Đặc biệt, phải lưu ý đến 3 yếu tố về hạ tầng thương mại của cơ sở kinh doanh; chất lượng thực phẩm được đưa vào để kinh doanh và yếu tố con người, bao gồm có người kinh doanh và người tiêu dùng tham gia vào việc mua bán thực phẩm. Bà Lê Việt Nga cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc kết nối với cơ quan quản lý nhà nước, hiến kế điều kiện kinh doanh phù hợp, xây dựng tốt nhất mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn, đóng góp vào phát triển kinh tế. Qua đó, cũng để các bộ, ngành, ban hành cơ chế chính sách phù hợp, cập nhật nhất đối với từng giai đoạn phát triển. Ngoài ra, người tiêu dùng cần phát huy quyền của người tiêu dùng, cùng nhau đồng hành với doanh nghiệp, góp ý để cung ứng thực phẩm an toàn theo cách thuận tiện và giá cả hợp lý nhất.

Tin, ảnh: VŨ DUNG