Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chi phí thấp. Qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường.
 |
Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo.
|
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, với các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2024, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 15,08% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Đặc biệt, ngành ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Thông tin về định hướng tăng trưởng tín dụng, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 8% trở lên thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng dự kiến mức tăng trưởng tín dụng năm 2025 cao hơn mức tín dụng năm 2024, ước chừng khoảng 16%. Tuy nhiên con số này đặt ra là định hướng trong điều hành, không phải là con số pháp lệnh. Mục tiêu cuối cùng là chúng ta kiểm soát được lạm phát, hỗ trợ cho tăng trưởng nền kinh tế, bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền và tỷ giá.
Tin, ảnh: ANH VIỆT
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.