Tại tọa đàm, các ý kiến làm rõ: Thị trường carbon là gì? Thuận lợi và thách thức nào đang đặt ra cho doanh nghiệp tham gia thị trường carbon tại Việt Nam? Giải pháp nào để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp ngành công thương vào thị trường carbon.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.

Trao đổi tại tọa đàm, ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, thị trường carbon chính là nơi diễn ra các giao dịch về việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia. Là cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.

leftcenterrightdel
Các ý kiến trao đổi tại tọa đàm. 
  

Nhấn mạnh việc tham việc tham gia vào thị trường carbon sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp, ông Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhấn mạnh: Với việc bán tín chỉ carbon trên thị trường giao dịch, doanh nghiệp có thể thu được tiền để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, thị trường carbon là một động lực rất tốt cho quá trình tiến tới Net Zero vào năm 2050.

Các ý kiến tại tọa đàm cũng nhấn mạnh, để vận hành hiệu quả thị trường carbon và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp ngành công thương nói riêng cần rất nhiều nỗ lực từ các bên. Điển hình còn thiếu các công cụ, tiêu chuẩn tính toán, đo lường, đánh giá lượng phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Tiếp theo là sự tích cực tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm giảm phát thải. Chính phủ có thể cam kết với quốc tế, nhưng thực tế giảm được đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực và sự tham gia của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nguồn lực tài chính và đổi mới công nghệ cũng là những thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp.

Cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam để tạo lộ trình, hành lang pháp lý đầy đủ, đi cùng với đó là các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đột phá trong triển khai.

Mặt khác, các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội ngành hàng cũng cần chủ động trang bị kiến thức, công nghệ và tiềm lực kỹ thuật, tài chính để tận dụng tối đa cơ hội mà thị trường carbon mang lại.

Tin, ảnh: KHÁNH AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.