Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP giai đoạn 2019-2021 khoảng 14%. Thị trường bất động sản có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành quan trọng khác của nền kinh tế và trở thành nhịp cầu nối cho các thị trường. 

Tại Việt Nam, nguồn vốn thúc đẩy thị trường bất động sản dần phong phú hơn nhưng còn nhiều hạn chế trong cơ chế, chính sách và phương thức quản lý, điều tiết dòng vốn cho thị trường. Doanh nghiệp vẫn phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, việc tiếp tục duy trì và cải thiện dòng vốn cho thị trường bất động sản cần là một trong những ưu tiên chính sách trong giai đoạn tới.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia, nguồn vốn trên thị trường bất động sản hiện nay bao gồm: Vốn tự có, vốn góp của doanh nghiệp; vốn tín dụng, bảo lãnh, cho thuê tài chính; vốn từ các đối tác của doanh nghiệp; vốn từ ngân sách Nhà nước (vốn mồi, ưu đãi thuế, vốn từ các chương trình phục hồi); nguồn vốn FDI và vốn huy động từ thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư)...

 Các đại biểu chia sẻ thông tin tại hội thảo.

Đối với giải pháp phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, để tránh việc đặt lãi suất cao để huy động vốn sử dụng cho mục đích khác không phải đi vào phương án đầu tư kinh doanh đăng ký, cần có sự thẩm định khả thi về mức lãi suất huy động tương ứng với phương án đầu tư kinh doanh đăng ký.

Bên cạnh đó, cần thiết phải có những chính sách phân biệt để định hướng dòng vốn, bảo đảm tỷ trọng nhất định nguồn vốn được “chảy” vào sản xuất, kinh doanh ngoài việc đi vào các kênh đầu cơ không trực tiếp tạo ra giá trị cho xã hội.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG