Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, đại diện Bộ tư lệnh Quân khu 7, lãnh đạo một số tỉnh khu vực Nam Bộ có dự án đi qua, cùng đông đảo cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động của chủ đầu tư và đơn vị thi công…

leftcenterrightdel
Tập đoàn Đèo Cả tập kết lực lượng, phương tiện thi công dự án 

 

Tập đoàn Đèo Cả là nhà thầu thực hiện gói XL1 - Thi công xây dựng đoạn Km10+000 – Km41+150 (bao gồm cầu Kênh Phước Hòa, cầu Cây Trường, cầu Bà Tứ, cầu Thị Tính, cầu Suối Tre, cầu Thanh An) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành – Đức Hòa. Gói thầu có giá trị xây lắp hơn 681 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 730 ngày.

leftcenterrightdel
 Bản đồ các tuyến kết nối dự án

 

leftcenterrightdel
 Thông tin về gói thầu XL1

 

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Khương Văn Cương, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn Đèo Cả triển khai các  dự án dở dang do đơn vị khác để lại. Tập đoàn ý thức rõ trách nhiệm với vai trò là nhà thầu. Đèo Cả đã huy động máy móc, thiết bị và nhân sự để thi công ngay sau lễ triển khai.

“Với năng lực, kinh nghiệm đã “giải cứu” thành công nhiều dự án bị đình trệ và thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp,… Tập đoàn Đèo Cả cam kết hoàn thành gói thầu XL1 - Dự án Đầu tư Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng”, ông Khương Văn Cương khẳng định.

leftcenterrightdel
 Ông Khương Văn Cương, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả phát  biểu tại buổi lễ

 

Đoạn Chơn Thành – Đức Hòa đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An, là 4 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án được khởi công từ năm 2009, do đơn vị khác làm chủ đầu tư, phần đường cơ bản thi công hoàn thành đắp nền K95, phần cầu cơ bản thi công một số hạng mục thuộc kết cấu bên dưới, một số cầu đã lao lắp xong hệ dầm cầu. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, dự án bị đình hoãn thi công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

leftcenterrightdel
 Lực lượng, phương tiện của nhà thầu triển khai thi công công trình ngay sau buổi lễ

 

Sau 12 năm dừng thi công, đến nay, dự án được tái khởi động với mục tiêu tiếp tục hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn nhà nước đã đầu tư, góp phần nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh với quy mô 2 làn xe, chia sẻ lưu lượng với các trục dọc vùng Đông Nam Bộ, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Trước đó, gói thầu được Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư) tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, loại hợp đồng đơn giá điều chỉnh. Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị trúng thầu theo Quyết định 3016/QĐ-BĐHCM của Bộ Giao thông Vận tải.

Để đảm bảo các yếu tố thuận lợi cho việc triển khai dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã đưa ra một số kiến nghị cho chủ đầu tư và các địa phương nơi dự án đi qua cùng phối hợp xử lý khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, dọc tuyến có 14 công trình cầu, trong đó 3 cầu xây dựng mới và 11 cầu tiếp tục thi công hoàn thiện. Thời gian đã trải qua gần 12 năm từ khi dự án bắt đầu triển khai, công trình chịu nhiều tác động từ thời tiết và các yếu tố khác… Do đó, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị chủ đầu tư kiểm định, đánh giá chất lượng trước khi bàn giao cho nhà thầu.

Bên cạnh đó, qua khảo sát của nhà thầu, các mỏ vật liệu tại địa phương không đáp ứng trữ lượng như thiết kế, báo giá không phù hợp với công bố giá do cơ quan nhà nước ban hành. Nhà thầu kiến nghị chủ đầu tư, các địa phương có dự án đi qua cùng tham gia khảo sát, đánh giá lại nguồn cung vật liệu và công bố kịp thời chỉ số giá. 

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh: Đoạn Chơn Thành - Đức Hoà là một đoạn tuyến nằm trong quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây của đất nước (đường Hồ Chí Minh tiêu chuẩn cao tốc). Đây là dự án có ý nghĩa, vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, mở rộng không gian phát triển đô thị - công nghiệp - thương mại - du lịch - dịch vụ của khu vực Đông Nam Bộ. Khi hoàn thành, tuyến Chơn Thành - Đức Hoà sẽ kết nối giao thông thông suốt và rút ngắn thời gian từ các tỉnh Tây Nguyên qua vùng Đông Nam Bộ với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường bộ kết nối liên vùng, giảm tải lưu lượng cho các tuyến đường bộ hiện hữu.

Để Dự án được triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư), các đơn vị tư vấn, nhà thầu với trách nhiệm cao nhất, phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, phương án tổ chức thi công phù hợp, huy động đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị để tập trung triển khai thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và vệ sinh môi trường. Tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, chỉ dẫn kỹ thuật của Dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, sai phạm, hoàn thành Dự án đúng thời hạn hợp đồng đã ký.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh nơi dự án đi qua cũng cam kết sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và nhà thầu triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, góp phần thúc đẩy mạng lưới giao thông liên vùng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh cho từng địa phương và liên vùng Nam Bộ - Tây Nguyên.

Tin, ảnh: XUÂN SƠN