Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương vừa có các công văn gửi đến Tổng cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm giám sát chặt chẽ, bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Các công văn nêu rõ, sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều địa phương trên cả nước đang dần quay trở lại trạng thái bình thường mới khiến tình hình tiêu thụ xăng dầu tại thị trường nội địa đang có dấu hiệu phục hồi và tăng mạnh.
Trước tình hình đó, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục quản lý thị trường các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, hạn chế hoạt động đầu cơ, tích trữ xăng dầu, bảo đảm các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề nghị: Giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng không bị gián đoạn; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 26 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
 |
Sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều địa phương trên cả nước đang dần quay trở lại trạng thái bình thường mới khiến tình hình tiêu thụ xăng dầu tại thị trường nội địa đang có dấu hiệu phục hồi và tăng mạnh. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương |
Nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa cho những tháng cuối năm 2021, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đề nghị các đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa các loại xăng dầu doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp; có phương án về nguồn hàng (từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu) để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong thời gian sắp tới; thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Đối với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề nghị: Chỉ đạo Nhà máy lọc dầu sớm khắc phục sự cố để ổn định sản xuất, cung cấp đủ lượng hàng theo hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp; có phương án về nguồn hàng để bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, báo cáo về số lượng xuất, nhập, tồn kho xăng dầu theo tháng từ đầu năm 2021 đến nay để làm căn cứ cân đối nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa.
Sẽ có phương án tối ưu bảo đảm giá bán lẻ trong nước có tăng thì vẫn thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới
Trước đó, từ 15 giờ chiều qua, mỗi lít xăng tăng đã được điều chỉnh tăng 930-970 đồng/lít và dầu tăng 510-980 đồng/lít. Từ đó, giá xăng E5 RON 92 đã tăng lên mức 21.680 đồng/lít; xăng RON 95 tăng lên mức 22.870 đồng/lít (tăng 930 đồng).
Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Dầu hỏa là 16.620 đồng/lít, tăng 980 đồng. Dầu diesel là 17.540 đồng/lít, đắt hơn 960 đồng. Dầu madut là 17.090 đồng/kg, tăng 510 đồng.
* Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước, từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành vào chiều qua (11-10) nếu không chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức cao, giá xăng E5RON92 và dầu diesel, dầu hỏa sẽ tăng trên 1.000 đồng/lít so với giá hiện hành.
Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, sử dụng công cụ Quỹ BOG linh hoạt, hiệu quả, có tính đến việc tạo dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới khi giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng, nhất là khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng, căn cứ tình hình thực tế của Quỹ BOG tại thời điểm hiện nay, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính sẽ tính đến phương án tối ưu nhất để đảm bảo giá bán lẻ trong nước có tăng cũng vẫn ở mức thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
|
THẢO NGUYÊN
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa yêu cầu doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, bắt đầu từ 15 giờ hôm nay (11-10).