Tham dự và phát biểu khai mạc hội thảo có ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Rajkumar Ranjan Singh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ; ông Trần Đức Bình, Phó tổng thư ký ASEAN; GS, TS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; Giáo sư Sachin, Tổng giám đốc Viện Thông tin và Nghiên cứu các nước đang phát triển. 

GS, TS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo. 

Phát biểu tại hội thảo, GS, TS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Hiện nay, văn hóa là một trụ cột trong khuôn khổ 3C (connect: kết nối, commerce: thương mại, cultural: văn hóa) giữa Ấn Độ và ASEAN. Trong đó, sự kết nối về văn hóa và văn minh giữa hai chủ thể này đã đặt nền tảng cho sự chia sẻ các niềm tin và giá trị chung về tôn giáo, ngôn ngữ, nghệ thuật và sắc tộc.

Theo dòng lịch sử, nếu sự kết nối văn minh, văn hóa giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á được thể hiện bằng mối liên hệ giữa vương quốc Champa với nền văn hóa Sanskrit, sự truyền bá, tiếp biến các giá trị văn hóa về tôn giáo, nghệ thuật, văn học, âm nhạc, điêu khắc, thì ngày nay sự kết nối văn minh, văn hóa giữa Ấn Độ và ASEAN càng rõ nét hơn và được biểu hiện bằng sự hội nhập kinh tế, hội nhập chính trị và phối hợp chiến lược đối với các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu để hướng đến an ninh chung và tăng trưởng bao trùm cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Toàn cảnh hội thảo tại đầu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. 

GS, TS Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh, các giá trị kết nối về văn hóa và văn minh giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á vừa là nền tảng vừa là di sản để chặng đường gần 30 năm quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN - Ấn Độ với hơn 30 cơ chế hợp tác phát triển ổn định và ngày càng thịnh vượng. Vì vậy, hội thảo lần này với mục đích tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc thêm các kết nối về văn hóa văn minh giữa Ấn Độ và ASEAN, từ đó giúp thúc đẩy hợp tác kết nối giữa Ấn Độ và ASEAN trên những lĩnh vực khác, đem lại những kết quả thực chất cho hợp tác hai bên.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 7 và 8-10 dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp với 5 phiên: Giao lưu văn hóa đương đại và sự đa dạng, văn hóa và số hóa, văn hóa và du lịch, giáo dục và thanh niên, di sản chung. Nội dung của hội thảo tập trung vào việc đánh giá thành tựu, ý nghĩa và tác động của quá trình kết nối văn hóa văn minh Ấn Độ - ASEAN; đưa ra nhận định về xu hướng phát triển mới của kết nối văn minh Ấn Độ - ASEAN, đặc biệt trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19 để vạch ra lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn kế tiếp. Bên cạnh đó, hội thảo cũng làm rõ chiến lược quyền lực mềm dựa trên các giá trị chính trị chung của Ấn Độ và ASEAN cũng như các biện pháp hòa bình để quản lý xung đột và hợp tác kinh tế nhằm đạt được giải pháp chung.

Tin, ảnh: LA DUY