Tại hội nghị, phần lớn ý kiến phát biểu của đại biểu các địa phương đều cho rằng: Chương trình hỗ trợ chăn nuôi nông hộ đã phát huy được hiệu quả tích cực trong chăn nuôi, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, chất lượng thịt thương phẩm của đàn gia súc, gia cầm được nâng lên. Đặc biệt, riêng tại thành phố Hà Nội nhờ chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ đã giúp cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò (đàn bò 3B) đã góp phần đem lại thu nhập tăng thêm cho người chăn nuôi khoảng 2.000 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ đã tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi cũng như thay đổi thu nhập của các hộ nông dân tăng từ 5-10%. Với nguồn kinh phí không lớn nhưng chính sách đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp cho an sinh xã hội, cải tạo và nâng cao năng suất đàn lợn, trâu, bò. Kết quả đã cải tạo đàn giống trên địa bàn, nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn cung cấp cho thị trường, hỗ trợ các công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi (Bioga, đệm lót sinh học...), làm thay đổi nhận thức của người dân, góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nguồn khí sinh học từ chăn nuôi còn tạo ra chất đốt phục vụ cho chăn nuôi và sinh hoạt hằng ngày của các hộ chăn nuôi ở vùng nông thôn.

Dư địa phát triển của ngành chăn nuôi còn rất lớn, vì thế bên cạnh việc đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô lớn, chăn nuôi trang trại, việc quan tâm và có chính sách hỗ trợ đến chăn nuôi nông hộ vẫn cần được quan tâm, có chính sách hỗ trợ để tạo sinh kế cho người dân vùng nông thôn, đồng thời tạo ra các sản phẩm chăn nuôi đặc sản, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM