Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 8-12, theo hình thức trực tuyến.

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích xuống giống lúa hàng năm 3,9 triệu héc ta, tổng sản lượng 23,8 triệu tấn, chiếm hơn 50% sản lượng lương thực cả nước và cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu. Đây là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước, đóng vai trò quyết định đối với an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa cũng tạo ra nguồn phát thải khí (NH4, CO2) gây hiệu ứng nhà kính.

leftcenterrightdel
 Nông dân chuẩn bị đất trước khi gieo sạ lúa

Bàn về giải pháp góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa, theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, giải pháp quan trọng nhất là hạ tầng nông nghiệp cần được đầu tư đồng bộ, cùng với đó là các biện pháp canh tác giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, biện pháp được tập trung thảo luận là việc áp dụng hình thức tưới rút nước phơi khô mặt ruộng giữa vụ; hệ thống thâm canh lúa (SRI); canh tác lúa theo quy trình “1P5G” kết hợp với quản lý nước “ngập khô xen kẽ” được gọi là “1 phải 6 giảm” (phải là giống xác nhận, giảm lượng giống, giảm bón thừa phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm phát thải khí nhà kính).

leftcenterrightdel
Giảm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón là một trong những biện pháp giảm phát thải khí nhà kính 

Theo các chuyên gia môi trường nông nghiệp, đã có nhiều chính sách liên quan đến việc thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Đối với phát thải trong lĩnh vực sản xuất lúa nước, ngoài nguồn lực của Nhà nước, rất cần thêm nhiều nguồn kinh phí, nhất là khu vực tư nhân đầu tư và hạ tầng nông nghiệp theo hướng lồng ghép kỹ thuật canh tác giảm phát thải khí nhà kính.

Tin, ảnh: THÚY AN