Đây là vụ lúa chủ lực hằng năm, việc thiếu hụt nguồn lúa giống dự báo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và các mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của ĐBSCL và của cả nước.

Thu hoạch lúa Hè Thu ở Hậu Giang. Ảnh: TTXVN

Đối với ĐBSCL, từ trước tới nay vụ đông xuân bao giờ cũng được kỳ vọng nhiều nhất vì điều kiện sản xuất thuận lợi, năng suất bảo đảm, giá thành ổn định, ít gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ. Vụ đông xuân năm ngoái (2020-2021), mặc dù hạn hán, mặn xâm nhập diễn ra gay gắt, phức tạp nhưng với sự linh hoạt, chủ động, thích ứng trong sản xuất, ĐBSCL đã “thắng đậm”: Diện tích lúa bị thiệt hại rất ít, năng suất đạt 7 tấn/ha, sản lượng lúa toàn vùng đạt 10,7 triệu tấn. Với năng suất cùng giá lúa có thời điểm lên đến 9.000 đồng/kg, vụ đông xuân 2020-2021 ở ĐBSCL được cho là thành công nhất so với 5 năm trước đó.

Cảm hứng về vụ đông xuân 2020-2021 vẫn còn râm ran trong lòng người trồng lúa, nhất là khi dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, “vùng xanh” xuất hiện ngày càng nhiều trên bản đồ của các địa phương. Tuy nhiên, số liệu công bố mới đây của ngành chức năng về tình trạng thiếu hụt lúa giống đạt phẩm cấp (được phát triển từ nguồn lúa nguyên chủng, do các trung tâm, cơ sở chuyên sản xuất giống cung cấp) khiến người trồng lúa chưa thật sự an tâm. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ đông xuân này, các công ty sản xuất, kinh doanh giống lúa và Viện lúa ĐBSCL chỉ đủ năng lực cung ứng tối đa 100.000 tấn, trong khi đó nhu cầu của toàn vùng cần đến 200.000 tấn. Thực tế khách quan cho thấy, vấn đề thiếu hụt nguồn lúa giống cũng có phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Riêng Viện lúa ĐBSCL có hơn 500ha liên kết sản xuất lúa giống tại các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ nhưng do vướng các quy định về giãn cách xã hội nên các khâu vốn đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ, nghiêm ngặt như kiểm nghiệm, kiểm định, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, bảo quản lúa giống đều gặp trở ngại.

 Vấn đề thiếu hụt nguồn lúa giống đạt phẩm cấp có thể không gây tác động lớn đến tiến độ mùa vụ bởi phần lớn người trồng lúa ở ĐBSCL và diện tích đất canh tác của họ không nằm trong các vùng chuyên canh-xuất khẩu và các mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm. Nếu không tìm được lúa giống chất lượng cao, họ buộc lòng chấp nhận sử dụng lúa giống từ các nguồn khác như hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các hợp tác xã, thậm chí sử dụng cả lúa hàng hóa hoặc lúa giống trôi nổi ngoài thị trường để gieo trồng như tập quán canh tác đã từng. Trong hoàn cảnh này, điều khiến người trồng lúa chưa thật sự an tâm là vì sử dụng nguồn giống không đạt phẩm cấp, không được xác nhận rất dễ gặp rủi ro, nếu gặp phải lúa giống kém chất lượng thì gánh thêm thiệt hại.

Tình trạng thiếu hụt nguồn lúa giống đạt phẩm cấp về tiêu chuẩn chất lượng ở chính nơi được mệnh danh là “vựa lúa” đã tồn tại từ nhiều năm qua chứ không riêng gì vụ đông xuân 2021-2022. Để tình trạng này không tiếp diễn, các địa phương và ngành chức năng cần có chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất lúa giống trong vùng mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất; áp dụng các biện pháp chế tài, xử lý nghiêm khắc mọi hành vi mua bán, kinh doanh lúa giống trái phép; hỗ trợ người nông dân sử dụng nguồn giống xác nhận để góp phần nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo. Có như vậy vựa lúa của cả nước mới tránh được nghịch lý lúa thì đầy bồ mà vẫn thiếu giống chất lượng cao.

HỒNG BỈNH HIẾU