Hiện nay, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang đẩy giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng liên tiếp. Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore tính đến ngày 4-10 biến động mạnh so với chu kỳ nửa tháng trước (ngày 25-9).

Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình là 86,61 USD/thùng, chu kỳ trước là 81,56 USD/thùng. Còn giá xăng RON 95 là 88,21 USD/thùng, kỳ trước là 83,43 USD/thùng.

Cùng với đó, giá dầu thô ngọt WTI ghi nhận ngày 9-10 tiếp tục tăng thêm 1,34% lên mức 79,35 USD/thùng, tức tăng thêm khoảng 1,05 USD/thùng so với phiên giao dịch trước. Bên cạnh đó, giá dầu Brent cũng tăng mạnh 0,54% lên mức 82,39 USD/thùng. So với phiên ngày 8-10, giá dầu này đã tăng thêm 0,44 USD/thùng.

Một nhân tố quan trọng đẩy giá dầu leo thang trong tuần này là việc OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng, thay vì tăng sản lượng mạnh hơn như kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn gồm Mỹ và Ấn Độ. Các hoạt động kinh tế toàn cầu đang khởi sắc mạnh từ mức đáy của đại dịch Covid-19, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu tăng nhanh, nhưng sản lượng khai thác dầu không tăng tương ứng, dẫn tới nguồn cung thắt chặt…

Với những diễn biến như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều hành ngày 11-10 sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo xu hướng tăng mạnh của giá xăng dầu thế giới nếu cơ quan điều hành không thay đổi các mức chi, trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều hành ngày 11-10 dự báo sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo xu hướng tăng mạnh của giá xăng dầu thế giới. Ảnh minh họa: vtv.vn

Theo chia sẻ của bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giá bán xăng dầu được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về những nghiên cứu đề xuất của khối doanh nghiệp trong việc giảm giá điện, giá xăng, Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đã có những nghiên cứu, nắm bắt thị trường, đặc biệt là giá xăng dầu trên thị trường thế giới và bám sát các điều hành liên quan giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các doanh nghiệp để đưa ra những nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bà Lê Việt Nga nhận định, thời gian tới, thị trường xăng dầu sẽ có nhiều biến động, giá cũng có khả năng tăng. Nguyên nhân là do các nền kinh tế đều đã dần dần khôi phục trở lại, số lượng người trên thế giới được tiêm vaccine nhiều và các nước bắt đầu dần mở cửa, sử dụng thẻ xanh Covid-19 để có thể tái khởi động lại sản xuất kinh doanh, giao lưu đi lại, giao thông vận tải, du lịch…

Do đó, bà Lê Việt Nga cho rằng, việc giảm giá xăng dầu trên thế giới trong thời gian tới là rất khó xảy ra. Đây cũng là một yếu tố khách quan sẽ tác động đến giá xăng dầu trong nước.

Ngoài tác động của giá xăng dầu thế giới, theo bà Lê Việt Nga, việc điều hành giá xăng dầu trong nước bên cạnh việc bảo đảm nguồn cung, còn cần phải căn cứ tình trạng Quỹ bình ổn xăng dầu hiện như thế nào, có thể gạn được quỹ này hay không. Qua đó, phân tích những yếu tố về giá, thuế và làm việc chặt chẽ với Bộ Tài chính về việc giảm thuế, như thuế môi trường đối với xăng E5 sinh học...

 

Tại kỳ điều hành ngày 25-9, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã điều chỉnh giá xăng E5 RON 92 lên mức 20.710 đồng một lít (tăng 570 đồng/lít) và RON 95 cao nhất 21.940 đồng một lít (tăng 550 đồng/lít). Cơ quan điều hành cũng chi 850 đồng từ quỹ để bù cho mỗi lít xăng E5 RON 92. Xăng RON 95 và các mặt hàng dầu không chi quỹ bình ổn giá tại kỳ điều hành lần này.

Như vậy, từ cuối tháng 2 đến nay, mỗi lít xăng RON 95 đã tăng khoảng 4.700 đồng, còn xăng E5 RON 92 tăng khoảng 4.400 đồng.

THẢO NGUYÊN