Giá xăng dầu thế giới

Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 31-1 (giờ Việt Nam), dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3 được giao dịch ở mức tăng 1,05%, tương đương 0,91 USD, lên 87,73 USD/thùng.

Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 3 là 90,91 USD/thùng, tăng 88 cent, tương đương 0,98%.

Giá dầu tiếp tục "leo dốc". Ảnh minh họa: Reuters 

Tuần trước, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đều đạt mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua. Dầu Brent đã “leo” lên tới 91,70 USD/thùng và dầu WTI chạm “đỉnh” 88,84 USD/thùng.

Tuần trước cũng là tuần chứng kiến hai mặt hàng dầu này tăng tuần thứ 6 liên tiếp và tăng tuần thứ 4 kể từ đầu năm 2022.

Hai mặt hàng dầu trong tuần trước đã có lúc tăng-giảm trái chiều nhưng sau đó lại đồng loạt “leo dốc” trước khi “lao dốc” nhẹ kết thúc tuần giao dịch. Dù vậy, cả Brent và WTI đều ghi nhận mức tăng xoay quanh 2%.

Sự leo dốc của hai mặt hàng này là do biến động địa chính trị giữa Nga và Ukraine làm trầm trọng thêm lo ngại “gián đoạn” nguồn cung kéo dài.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo rằng có một "khả năng rõ ràng" Nga có thể xâm lược Ukraine vào tháng tới. Hành động này có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt kinh tế và giảm nguồn cung trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị tàn phá bởi đại dịch.

Trong khi đó, các nhà sản xuất chủ chốt trên thế giới thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các đồng minh (OPEC +) đã phải “vật lộn” để nâng mức sản lượng phù hợp với kỳ vọng.

OPEC + dự kiến sẽ họp lại vào ngày 2-2 và có khả năng sẽ tiếp tục giữ mục tiêu tăng sản lượng dầu dự kiến cho tháng 3 là 400.000 thùng dầu/ngày bất chấp những bất cập hiện tại trong sản xuất.

Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo cho biết, giá dầu tiếp tục tăng bởi các tin tức hỗ trợ giá. Gần đây nhất là những rủi ro địa chính trị do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine gây ra, và nguồn cung dầu eo hẹp bởi nguồn cung đang phải vật lộn để theo kịp nhu cầu vốn chứng kiến tác động hạn chế của “bóng ma” Omicron.

Dù OPEC + nỗ lực bơm dầu nhưng giá dầu vẫn tăng cao. Ảnh minh họa: Reuters 

Theo Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, dầu đang ở mức 90 USD/thùng và sẽ không mất nhiều thời gian để dầu tăng lên 100 USD/thùng. “Điều đó sẽ chỉ làm gia tăng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu”.

Một nhóm các ngân hàng Phố Wall và các nhà điều hành dầu mỏ cũng đang dự báo giá dầu sẽ sớm quay trở lại mức 100 USD/thùng.

Mike Wirth, Giám đốc điều hành của Chevron Corp cho biết, “nhu cầu đang tăng mạnh, nguồn cung đang gặp khó khăn một chút để theo kịp và điều đó đã được phản ánh trên thị trường”. Vị giám đốc này bổ sung thêm rằng các sự kiện địa chính trị đang tác động đến thị trường hàng hóa hiện nay nhiều hơn so với trước đây và giá dầu 100 USD/thùng “chắc chắn nằm trong phạm vi những gì chúng ta có thể thấy trong vài tháng tới”.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 31-1 cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 23.595 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.360 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.903 đồng/lít; dầu hỏa không quá 17.793 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.993 đồng/kg.

Giá dầu thế giới đã liên tục tăng trong thời gian qua. Dự kiến, trong kỳ điều hành giá dầu săp tới của liên bộ Tài chính - Công thương, giá dầu sẽ được điều chỉnh tăng. 

MAI HƯƠNG