Giá dầu thế giới

Khả năng gián đoạn nguồn cung từ cuộc xung đột ở Trung Đông không cao và dữ liệu cho thấy sản lượng tăng từ OPEC và Mỹ đã đẩy giá dầu xa mốc 90 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10.

leftcenterrightdel
Giá dầu lúc 5 giờ 40 phút sáng 1-11 (giờ Việt Nam) đã tăng nhẹ với dầu WTI tăng 45 cent. Ảnh minh họa: Reuters

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31-10, giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 12 giảm 4 cent, tương đương 0,05%, xuống mức 87,41 USD/thùng. Hợp đồng tháng 1 được giao dịch với mức giảm 1,33 USD, tương đương 1,4%, xuống còn 85,02 USD/thùng.

Giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 12 giảm 1,29 USD, tương đương 1,6%, xuống mức 81,02 USD/thùng, trong khi hợp đồng giao tháng 1 giảm 1,18 USD xuống mức 80,5 USD/thùng.

Đáng chú ý là trong phiên giao dịch đầy biến động này, giá dầu đã có thời điểm bật tăng hơn 1 USD, tuy nhiên mức tăng này chưa đủ để giá dầu chạm lại mốc 90 USD/thùng.

Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết: “Chúng tôi đã loại bỏ một phần phí bảo hiểm chiến tranh ra khỏi giá”.

Theo khảo sát của Reuters, trong tháng 10, sản lượng dầu thô của OPEC đã tăng 180.000 thùng/ngày, chủ yếu đến từ Nigeria và Angola.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong tháng 8, sản lượng dầu thô tại mỏ của Mỹ cũng tăng lên mức kỷ lục mới - 13,05 triệu thùng/ngày.

Dữ liệu hoạt động sản xuất và phi sản xuất yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu chậm lại từ quốc gia tiêu thụ dầu số hai thế giới này.

Theo ước tính sơ bộ của Eurostat, lạm phát khu vực đồng Euro trong tháng 10 ở mức thấp nhất trong hai năm, giảm xuống 2,9% từ mức 4,3% trong tháng 9. Điều đó có nghĩa là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khó có thể sớm tăng lãi suất.

Một cuộc thăm dò của Reuters ngày 31-10 cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm sẽ giữ giá dầu thô ở mức dưới 90 USD/thùng trong năm nay và năm sau, trừ khi xung đột Israel - Hamas lan rộng và làm trầm trọng thêm tình trạng thắt chặt nguồn cung.

Hiện các nhà đầu tư vẫn cảnh giác với khả năng các quốc gia khác tham gia vào cuộc xung đột vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt này.

Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại City Index nhận xét, trong khi các diễn biến ở Trung Đông vẫn chưa ảnh hưởng đến dầu mỏ, các cuộc tấn công trên bộ ngày càng gia tăng, nguy cơ liên quan từ Iran lớn dần, làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung thắt chặt.

Các nhà phân tích cũng đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp chính sách hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến kết thúc vào hôm nay,

leftcenterrightdel
Giá xăng dầu vẫn biến động tăng-giảm trong từng phiên giao dịch. Ảnh minh họa: Reuters 

Nhà kinh tế trưởng của EY, Gregory Daco, cho biết: “Chúng tôi dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25% đến 5,50%”.

5,25% - 5,50% là mức lãi suất cao nhất của Ngân hàng Trung ương Mỹ trong 22 năm qua nhằm giảm lạm phát và ngăn suy thoái kinh tế. Từ tháng 3-2022 đến nay, Fed đã nâng lãi suất cho vay chuẩn 11 lần.

Cũng trong ngày 31-10, dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô ở Mỹ đã tăng 1,347 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 27-10; tồn kho xăng giảm 357.000 thùng; và tồn kho sản phẩm chưng cất giảm khoảng 2,484 triệu thùng.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1-11 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 22.360 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 23.510 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 22.480 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 22.750 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 16.610 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương chiều nay. Dự kiến, giá xăng sẽ tăng trong khoảng 300-500 đồng/lít, giá dầu giảm tối đa 500 đồng/lít.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 30 lần điều chỉnh, trong đó có 18 lần tăng, 9 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

MAI HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan