Giá dầu thế giới

Năm 2022 đã khép lại với giá dầu tăng năm thứ hai liên tiếp. Tính cả năm, giá dầu Brent đã tăng khoảng 10%, sau khi tăng 50% vào năm 2021; dầu WTI của Mỹ tăng gần 7%, sau khi tăng 55% vào năm trước đó.

Trong năm 2020 khi mà cả thế giới cùng chao đảo vì đại dịch Covid-19, cả dầu Brent và WTI đều “lao dốc không phanh” bởi nhu cầu nhiên liệu giảm.

leftcenterrightdel
Giá xăng dầu được dự báo sẽ tiếp tục biến động trong năm 2023. Ảnh minh họa: Reuters 

Trong năm 2022, giá dầu đã tăng “phi mã” do lo ngại nguồn cung khan hiếm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Giá dầu hồi cuối tháng 3-2022 đã lập đỉnh 139,13 USD/thùng - mức cao nhất trong vòng 14 năm. Tuy nhiên, mức đỉnh này đã không được duy trì lâu. Giá dầu sau đó đã nhanh chóng trượt dốc do nhu cầu yếu hơn từ Trung Quốc, sự tăng lãi suất “khủng” liên tục của các ngân hàng trung ương, và đặc biệt là sự gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Năm 2022, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã tăng lãi suất hằng tháng tới 0,75 điểm phần trăm. Đặc biệt có thể kể đến sự duy trì mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong suốt 4 tháng liên tục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lần điều chỉnh lãi suất gần đây nhất của Fed, cơ quan này đã chỉ tăng 50 điểm cơ bản khi lạm phát tại nước này đang có chiều hướng được kiểm soát.

Nhiều khả năng trong năm 2023, các ngân hàng trung ương lớn sẽ tiếp tục duy trì mức tăng lãi suất cao, ít nhất là trong quý 1. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến giá dầu.

Cho rằng năm 2022 là một năm đặc biệt đối với thị trường hàng hóa, với những rủi ro về nguồn cung khiến biến động giá gia tăng và giá cả leo thang, nhà phân tích Ewa Manthey của ING nhận xét năm 2023 sẽ là một năm không chắc chắn với rất nhiều biến động.

Theo đó, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục thận trọng, cảnh giác với việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương và nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế.

Còn theo Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, bước sang năm 2023, giá dầu sẽ nghiêng về hướng tăng. “Đó là câu chuyện được kể trong phần lớn thời gian của năm”, Erlam nhận xét.

Theo nhà phân tích này, mặc dù các nhà sản xuất cuối cùng cũng đã bắt kịp được nhu cầu sau đại dịch, nhưng những rủi ro khác vẫn hiện hữu trong năm 2023, đáng chú ý là sản lượng của Nga trong bối cảnh giá trần mới và các mối đe dọa cắt giảm sản lượng và không cung cấp cho bất kỳ quốc gia nào áp giá trần lên dầu của Nga. Erlam cho biết, dù đây chưa phải là vấn đề của hiện tại nhưng khi giá dầu bắt đầu tăng thì nó sẽ được “nhấn ga”.

leftcenterrightdel
Quyết định tăng-giảm sản lượng của OPEC+ vẫn sẽ tác động lên giá xăng dầu. Ảnh minh họa: Reuters 

Trong khi đó, John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, cho biết một câu hỏi vẫn được đặt ra trong năm 2023, đó là nhu cầu và tăng trưởng nhu cầu như thế nào trong khi các ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn mạnh tay hành động.

Trong một cuộc khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế và nhà phân tích cho rằng giá dầu Brent sẽ được duy trì ở mức trung bình 89,37 USD/thùng trong năm 2023, giá dầu WTI của Mỹ được dự đoán sẽ ở mức trung bình 84,84 USD/thùng.

Trước mắt, những nhân tố có thể tác động lên giá dầu, đặc biệt là trong quý 1 có thể kể đến sự duy trì mức lãi suất cao của các ngân hàng trung ương lớn, OPEC+ kiên định mục tiêu cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, Mỹ tiếp tục bổ sung dầu cho kho dự trữ dầu chiến lược của mình, và Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm dịch Covid-19.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1-1 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.020 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 21.807 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.151 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.166 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.633 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được Bộ Công Thương điều chỉnh tăng từ 0 giờ ngày 1-1-2023.

Đây là kỳ điều hành đầu tiên và cũng là kỳ tăng giá xăng dầu đầu tiên của năm 2023.

Trong năm 2022, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 34 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng, 16 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

MAI HƯƠNG