Thị trường vàng thế giới trong tuần qua tương đối sôi động khi giá biến động mạnh do chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có lực cầu trú ẩn an toàn và kỳ vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bước vào tuần mới, giá vàng duy trì dưới mốc 2.400 USD/ounce trước khi tăng mạnh vào giữa tuần khi giới đầu tư ngày càng chắc chắn khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tiến hành xoay trục chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào cuối quý III. Đà tăng của vàng tiếp tục được thúc đẩy khi lo ngại căng thẳng leo thang tăng cao sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas tại Iran, gây chấn động khu vực vốn đã bị rung chuyển bởi cuộc chiến ở Gaza và xung đột ngày càng sâu sắc ở Lebanon. Vàng băng băng tăng giá tiến sát mốc 2.500 USD/ounce trước khi đảo chiều “lao dốc” do chịu áp lực chốt lời. Kết thúc tuần, giá vàng giao ngay neo ở mức 2.444,1 USD/ounce, tăng 57 USD so với mức chốt phiên tuần trước.

leftcenterrightdel

 Các chuyên gia duy trì sự lạc quan về vàng. Ảnh: Kitco

Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia cho rằng, kim loại quý này có thể sẽ chịu áp lực bán trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các đợt điều chỉnh như thế này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và đây là cơ hội để giới đầu tư sở hữu vàng.

Nói về biến động của giá vàng trong tuần tới, chiến lược gia trưởng Chris Vecchio của Tastylive.com cho rằng, giá vàng thế giới có thể sẽ giảm tới 2-3%. Tuy nhiên, Vecchio vẫn duy trì sự lạc quan đối với vàng trong các quý tới khi nhìn vào vai trò của kim loại quý này. Theo ông, từ trước đến nay, vàng vẫn là một trong những tài sản hoạt động tốt nhất trên thị trường tài chính toàn cầu trong bối cảnh suy thoái.

Trong tuần này, nỗi lo suy thoái đã trở nên nghiêm trọng khi báo cáo công bố vào thứ Sáu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Các nhà kinh tế nói rằng, sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp đã kích hoạt một chỉ báo suy thoái được gọi là Quy tắc Sahm. Theo quy tắc này, một nền kinh tế bước vào suy thoái khi tỷ lệ thất nghiệp bình quân 3 tháng cao hơn 0.5 điểm phần trăm so với mức thấp nhất của 12 tháng.

Các chuyên gia còn cho rằng, dữ liệu việc làm đáng thất vọng cho thấy Fed đã mắc sai lầm về chính sách khi chờ quá lâu mới cắt giảm lãi suất.

Giám đốc chiến lược đầu tư Robert Minter của Abrdn đánh giá, sau báo cáo việc làm công vừa qua, khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể đạt được hạ cánh mềm là rất thấp. Theo ông, thị trường việc làm rất quan trọng. Ngay cả khi thị trường bộc lộ yếu kém dù là nhỏ cũng tác động đến tiêu dùng. Do tăng trưởng của Mỹ phụ thuộc phần lớn vào tiêu dùng, vì thế tiêu dùng ảm đạm sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm.

Trả lời câu hỏi rằng giá vàng sẽ tăng đến đâu khi nỗi lo suy thoái leo thang tăng cao, chiến lược gia trưởng Michele Schneider của MarketGauge cho rằng, giá kim loại quý này sẽ tăng thêm ít nhất 8% nếu có thể giữ được mốc 2.450 USD/ounce.

Trong tuần tới, có rất ít dữ liệu kinh tế được công bố. Các chuyên gia cho rằng, biến động của vàng sẽ phụ thuộc vào cách nhìn nhận của giới chuyên gia đối với những bình luận của Chủ tịch Fed Powell vào giữa tuần này cùng với số liệu việc làm đáng thất vọng mới công bố.

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng tiếp tục có những biến động. Theo đó, kết thúc tháng 7, giá vàng miếng đồng loạt giảm 500.000 đồng ở cả 2 chiều. Tuy nhiên, giá kim loại quý này bất ngờ đảo chiều tăng mạnh 800.000 đồng lên sát ngưỡng 80 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn trong nước liên tiếp được điều chỉnh tăng-giảm. Hiện tại, giá vẫn được giữ quanh 77,5 triệu đồng/lượng.

leftcenterrightdel
Giá vàng nhẫn biến động liên tục trong tuần. Ảnh: thanhnien.vn 

Vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 3-8, giá bán vàng miếng SJC neo ở mức 79,8 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng so với mức chốt phiên tuần trước. Hiện tại, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 4,9 triệu đồng/lượng.

TRẦN HOÀI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.