Theo Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Phạm Tuấn Anh, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bắt đầu phát triển từ năm 1991, muộn so với các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Trong 2 năm trở lại đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh. Các DN sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả lượng về chất.
Tính đến hết năm 2018, cả nước có khoảng hơn 350 DN sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có khoảng 40 DN sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 DN sản xuất sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô… với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Nhiều hãng lớn trên thế giới có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Trung Mỹ…
 |
Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn.
|
Tuy nhiên, đánh giá của Bộ Công Thương cũng cho thấy, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu; chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển; giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Mặc dù đã có sự gia tăng trong thời gian qua, tuy nhiên DN CNHT cho ngành ô tô phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực. Hiện nay, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. So với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn ít. Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng Việt Nam số lượng này chưa tới 100. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2,3 nhưng khi đó con số này tại Việt Nam là chưa tới 150.
Tại diễn đàn các đại biểu đã đề cập tới nhiều giải pháp phát triển CNHT cho ngành ô tô ở Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Điều kiện tiên quyết để phát triển ngành CNHT ô tô là phải có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển, mở ra cơ hội thị trường cho các DN CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Một số ý kiến đề nghị, cần khuyến khích DN lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài năm phát triển ngành công nghiệp ô tô VIệt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cùng với đó, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là là nhân sự làm công tác nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển sản phẩm ô tô.
Tin, ảnh: VŨ DUNG