Có thể nói năm 2022 là năm khó khăn chưa từng có với ngành xăng, dầu khi vẫn chịu tác động của dịch Covid-19, tỷ giá tăng, cùng với đó xung đột quân sự tại Ukraina khiến giá dầu thế giới tăng vọt, chi phí logistics tăng phi mã, nguồn nhập khẩu gặp khó khăn, cơ quan quản lý chậm điều chỉnh chi phí khiến các doanh nghiệp ngành xăng, dầu, từ doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ đồng loạt bị lỗ nặng trong năm 2022.

leftcenterrightdel
Quang cảnh tọa đàm. 

Nguồn cung khó khăn, doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng kéo theo tình trạng thiếu nguồn cung xăng, dầu ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Ở Hà Nội và nhiều địa phương, người dân phải dắt xe qua nhiều cửa hàng mới mua được xăng hoặc chỉ được đổ xăng với mức 50.000 đồng/xe máy, 200.000 đồng/ô tô. Sau khi các cơ quan quản lý đưa ra hàng loạt giải pháp, từ tăng nguồn cung, điều chỉnh chi phí, tăng cường giám sát hoạt động của doanh nghiệp, thị trường, tình hình đã dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, nhiều vấn đề bất cập mới cần được rà soát, sửa đổi. Hiện nay, Bộ Công Thương đang làm đầu mối khẩn trương sửa đổi Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng, dầu.

leftcenterrightdel
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) chia sẻ tại tọa đàm. 

Chia sẻ tại tọa đàm, nhiều ý kiến doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu cho biết, để phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính, doanh nghiệp bán lẻ dù không được nhận chiết khấu, rơi vào cảnh càng bán hàng càng lỗ nhưng vẫn phải mở cửa bán hàng. Đây là hình thức "cưỡng bức" doanh nghiệp bán lẻ. Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) chia sẻ, Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu là do “thỏa thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”. Tuy nhiên, những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối. Theo đó, doanh nghiệp bán lẻ đề nghị cần sửa đổi Nghị định số 95 và Nghị định số 83 theo hướng quy định mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu.

Có cùng cách nhìn nhận, ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Xăng, dầu Bảo Dương, TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Chủ yếu doanh nghiệp bán lẻ mong được nhà làm chính sách hiểu và thông cảm để làm chính sách sát với thực tế. Theo đó, cần có quy định có chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ nhiều đầu mối cho phù hợp cơ chế thị trường để doanh nghiệp bán lẻ ổn định, yên tâm phát triển, đưa xăng, dầu tới người tiêu dùng.

Tin, ảnh: VŨ DUNG