Nhà giáo Ưu tú, PGS, TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà giáo Ưu tú, PGS, TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, các số liệu mới được Cục Thống kê, Bộ Tài chính công bố cho thấy nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục quá trình phục hồi mạnh mẽ, bắt đầu từ quý II-2025. Tăng trưởng GDP quý II-2025 đạt mức 7,96% so với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm đạt 7,52% - mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Đáng chú ý, tăng trưởng GDP cao trong nửa đầu năm 2025 đạt được chủ yếu dựa vào các động lực như tiêu dùng (tăng 7,95%) và đầu tư (tăng 7,98%), thay vì dựa vào xuất khẩu như một năm về trước.

“Như vậy, có thể tin tưởng rằng các chính sách tài khóa mở rộng như miễn, giảm thuế, tăng đầu tư công hay các biện pháp tiền tệ nới lỏng như hạ lãi suất, tăng hạn mức tín dụng, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt đã thực sự là điểm tựa cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định”, PGS, TS Nguyễn Đào Tùng khẳng định.

Quang cảnh hội thảo. 

Mặc dù các kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 rất tích cực, nhưng thách thức trong 6 tháng cuối năm cũng rất lớn. Cụ thể, với những căng thẳng về thương mại do chính sách thuế quan của Mỹ, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, tạo ra những thách thức to lớn đối với xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam. Ở trong nước, việc tỷ giá tăng tương đối nhanh trong nửa đầu năm 2025 có thể gây sức ép lên giá cả trong thời gian tới. Điểm thuận lợi là giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới được dự báo sẽ khó tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan, PGS, TS Nguyễn Đào Tùng lưu ý.

Dự báo diễn biến thị trường, giá cả trong 6 tháng cuối năm 2025, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Phụ trách Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng: “Bối cảnh kinh tế kém thuận lợi đối với xuất khẩu và tăng trưởng GDP sẽ giúp kiềm chế lạm phát tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2025. Năm 2025 nhiều khả năng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4%. Mặc dù lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, các áp lực từ tỷ giá và tăng trưởng tín dụng đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát lạm phát phù hợp trong năm 2026”.

Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đánh giá, nửa cuối năm 2025 còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây áp lực lên giá cả, đòi hỏi công tác điều hành giá cần linh hoạt, kịp thời và hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện các nguồn lực được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.

Tin, ảnh: ANH VIỆT

 * Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.