Sau 6 phiên đấu thầu thành công và cung ra thị trường tổng cộng 48.500 lượng vàng miếng SJC, tối 27-5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ dừng đấu thầu bán vàng miếng.

Theo thông báo, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng.

Nên lưu ký vàng tại Ngân hàng Nhà nước

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định dừng đấu thầu vàng miếng là rất kịp thời. Bởi mục tiêu đấu thầu vàng là để giảm giá vàng, kéo sát giá vàng thế giới nhưng sau mỗi phiên đấu thầu vàng thì giá lại tăng lên, khoảng cách với thế giới khá xa.

leftcenterrightdel

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Quyết định dừng đấu thầu vàng là đúng và cần phải xem lại cơ chế đấu giá vàng. 

Nhấn mạnh mục tiêu đấu thầu không đạt được, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng quyết định dừng lại là đúng và cần phải xem lại cơ chế đấu giá. Theo đại biểu, cơ chế đấu thầu vàng thời gian qua là chưa phù hợp. Bởi mục tiêu đặt ra là để giá vàng thấp xuống nhưng cơ chế mà chúng ta đặt ra lại là ai đấu giá cao thì trúng.

“Khi chúng ta đặt giá sàn mà lại lấy tham chiếu là giá thị trường của ngày hôm trước làm giá sàn thì người trúng giá xong phải bán cao hơn giá sàn đó. Như vậy, giá ngày hôm sau phải cao hơn là đương nhiên”, đại biểu phân tích.

Để giá vàng trong nước sát giá thế giới, đại biểu cho rằng giá sàn tham chiếu phải lấy giá sàn thế giới quy đổi sang tiền Việt Nam, cộng với thuế nhập khẩu và chi phí nhập khẩu để ra giá sàn trong nước. “Doanh nghiệp nào bán sản phẩm cho người tiêu dùng với giá thấp nhất, càng sát giá sàn bao nhiêu thì doanh nghiệp đó sẽ được trúng thầu. Từ đó, người tiêu dùng được mua vàng sát giá thế giới”, đại biểu đề xuất.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng gợi ý, người tiêu dùng mua để cất trữ, để bảo toàn về giá trị thì không nhất thiết phải trao tay ngay vàng miếng cho họ, mà nên lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ dự trữ vàng miếng. Như vậy, người tiêu dùng yên tâm vừa mua được vàng với chất lượng tốt, vừa được Nhà nước giữ hộ, không sợ mất. Còn lượng vàng trong Ngân hàng Nhà nước lúc nào cũng đủ cho nhu cầu của người tiêu dùng. 

“Tất cả những người có nhu cầu chính đáng mua vàng để  tích lũy thì hoàn toàn được tiếp cận với giá vàng mà chúng ta đang đấu thầu. Còn những nhà đầu tư, đầu cơ với mục tiêu kiếm lợi thì phải sử dụng công cụ thuế để hạn chế bán vàng trao tay”, đại biểu trao đổi. 

Với đề xuất cho phép nhập khẩu vàng miếng, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đó là biện pháp lâu dài. Còn trước mắt đang cần bình ổn thì Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra nhập về, bán và giữ lại lượng vàng đó. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trịnh Xuân An: Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp mang tính tình thế.

Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp mang tính tình thế

Cũng đề cập đến quyết định dừng đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, đấu thầu vàng không phải là giải pháp tốt, mà chỉ là giải pháp mang tính tình thế.

“Đây là ý tưởng hay nhưng cần phải đánh giá xem giải pháp này có hiệu quả hay không, có cần thiết nữa hay không? Chúng ta phải xử lý về mặt cơ chế chứ không phải xử lý về mặt tình huống. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, Ngân hàng Nhà nước cho dừng đấu thầu vàng là hợp lý”, đại biểu nêu quan điểm.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, giải pháp hiện nay là phải tính toán lại để sửa quy định về quản lý hoạt động này. Nếu không sửa Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, không có cơ chế phù hợp hơn để tạo sự liên thông thì sẽ rất khó để xử lý việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, cũng như những bất cập trong việc quản lý mặt hàng rất đặc biệt này.

THẢO PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.