Bình quân 7 tháng năm 2019, CPI tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng cao nhất, tăng 0,94%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33%; giáo dục tăng 0,22%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,15%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%... Có 2 nhóm hàng giảm giá: Giao thông giảm 0,03%; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng giảm 0,03%.
 |
Ảnh minh họa. |
Theo Tổng cục Thống kê, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 7-2019. Đó là, từ ngày 1-7-2019, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 19.000 đồng/bình 12kg giảm 5,7% so với tháng 6-2019 do giá gas thế giới bình quân tháng 7-2019 công bố ở mức 365 USD/tấn, giảm 57,5 USD/tấn so với tháng trước. Ngoài ra, giá gạo giảm 0,09% so với tháng trước do các địa phương trên cả nước đã thu hoạch vụ lúa Vụ Đông Xuân nên sản lượng lúa dồi dào và tình hình xuất khẩu gạo khó khăn. Cùng với đó, một số công ty nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia đưa ra các chương trình giảm giá, khuyến mại để giữ thị phần và cạnh tranh với các đối thủ nên giá ô tô giảm 0,31% so với tháng trước.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, bình quân 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giáo dục... Lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ ở mức 1,89% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.
Tin, ảnh: PHƯƠNG HẰNG