Báo cáo tại hội thảo chỉ rõ, năm 2017, các tỉnh thuộc ĐBSCL tiếp tục nằm trong nhóm có chỉ số PCI cao nhất cả nước, đạt 63,40 điểm. Đặc biệt, trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất qua điều tra PCI năm 2017 thì có tới 5 tỉnh thuộc vùng ĐBSCL (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An và Cần Thơ). Kể từ năm 2014 tới nay, vùng ĐBSCL luôn có chỉ số PCI trung bình cao nhất trong 6 vùng trên toàn quốc.

“Vùng ĐBSCL trong nhiều năm qua luôn có chỉ số PCI ở tốp đầu. Điều này thể hiện chất lượng điều hành của vùng luôn được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, đánh giá.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội thảo.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã chỉ rõ chỉ số PCI của vùng ĐBSCL luôn đạt ở mốc cao là nhờ các yếu tố: Nơi thành lập doanh nghiệp dễ dàng nhất, cải cách hành chính có chất lượng tốt nhất, doanh nghiệp phải chịu gánh nặng “chung chi” thấp nhất, cơ hội thuận lợi tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định lâu dài cho doanh nghiệp, môi trường pháp lý an toàn và kinh doanh bình đẳng. Cùng với đó, tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra các mặt yếu ảnh hưởng tới chỉ số PCI của vùng ĐBSCL như chất lượng lao động còn thấp, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa…

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận với mục đích chia sẻ kinh nghiệm cải thiện môi trường kinh doanh giữa các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, đặc biệt hướng tới khối doanh nghiệp tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều sáng kiến hay, cách làm tốt tại các tỉnh có chỉ số PCI top đầu Việt Nam đã được công bố, phân tích và làm rõ tại hội thảo để các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL nắm bắt và cải thiện chỉ số PCI địa phương.

Theo ban tổ chức, hội thảo là một nỗ lực của VCCI nhằm tạo dựng thương hiệu cho các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL có môi trường kinh doanh thân thiện, năng động và hỗ trợ, góp phần thu hút đầu tư cho toàn vùng.

Tin, ảnh: TUẤN SƠN