Cần nâng dự trữ xăng dầu

Tiếp tục chất vấn về vấn đề xăng dầu, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu vấn đề: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược cần được quản lý, điều tiết khoa học, chặt chẽ. Tôi rất chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ, Bộ Công Thương về điều hành nguồn cung ứng xăng dầu trong nước trước những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới. Tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng thiếu xăng dầu có thể dẫn đến gián đoạn huyết mạch kinh tế của đất nước, trong khi sản phẩm nhiên liệu dự trữ quốc gia có số lượng thấp và phải được sử dụng theo cơ chế của Luật Dự trữ quốc gia.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về giải pháp bảo đảm căn cơ việc cung ứng tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là khi thực tế một số nhà máy lọc dầu trong nước đến nay vẫn chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận: Trong bối cảnh xăng dầu thế giới và trong nước chúng ta diễn biến thời gian vừa qua cho thấy nếu không có một chiến lược, giải pháp căn cơ thì trong tương lai, việc cung ứng mặt hàng chiến lược này rất khó khăn.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Thời gian dự trữ, dự phòng xăng dầu hiện nay không lớn, chỉ khoảng 5-7 ngày, cần nâng lên. Ảnh: VPQH

Đồng tình với câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trước hết cần đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa khai thác, vừa chế biến xăng dầu.

Hiện tại có Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, đó là một doanh nghiệp nhà nước, công suất chỉ có 6,5 triệu tấn/năm.

“Chúng tôi thấy cần phải tiếp tục đẩy mạnh để làm sao nâng được công suất hoặc ít nhất duy trì được công suất thiết kế để giữ được nguồn cung cho xăng dầu trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và PVN sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết một cách triệt để những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Liên danh lọc hóa dầu Nghi Sơn, để làm sao nhà máy này phải giữ được cam kết như ban đầu là tung ra thị trường lượng xăng dầu khoảng từ 35 - 40% trong kỳ.

Một giải pháp được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhấn mạnh là nâng mức dự trữ, dự phòng xăng dầu. Theo Bộ trưởng, thời gian dự trữ, dự phòng xăng dầu hiện nay không lớn, chỉ khoảng 5-7 ngày.

“Trong tương lai chắc chắn phải nâng dự trữ quốc gia này lên, còn nếu không nâng dự trữ quốc gia thì rất khó khăn. Thay vì chúng ta dự trữ bằng tiền thì chúng ta dự trữ bằng hàng, nếu xác định đây là vật tư chiến lược thì chúng ta nâng mức dự trữ này lên ít nhất là hàng chục lần so với hiện nay”, Bộ trưởng nói.

Vai trò của các nhà máy lọc dầu trong nước thế nào?

Trả lời thêm chất vấn của đại biểu về vai trò của các nhà máy lọc dầu trong nước trong việc bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm nguồn cung trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vai trò của nhà máy lọc dầu trong nước hiện nay là “một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung trong nước”.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam có thời điểm không có nhà máy lọc dầu nào nhưng trong nước vẫn không thiếu xăng dầu, các nước bên cạnh không có nhà máy lọc dầu cũng không thiếu. Trong khi đó, các nước có nhà máy lọc dầu thì cũng không có giá chênh lệch quá xa so với giá thế giới.

Cung cấp thông tin về hoạt động các nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu lớn là Bình Sơn và Nghi Sơn. Nhà máy Bình Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư hoạt động ổn định, công suất cung cấp 30-35% tổng lượng xăng dầu trong nước. Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với đối tác nước ngoài thì hoạt động không hiệu quả.

Về vấn đề nội tại của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, chủ yếu là vấn đề tài chính. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tư cách là một bên trong liên doanh, đã báo cáo vấn đề này với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cùng với đó, Tập đoàn này cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh, yêu cầu hai liên doanh còn lại thực hiện đúng cam kết cung ứng dầu ra thị trường trong nước. Nguồn nguyên liệu đầu vào của Nghi Sơn là nhập hoàn toàn từ dầu thô của Kuwait, trong bối cảnh biến động giá, việc khan hiếm nguồn cung là không thể tránh.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, khi nào PVN cam kết chắc chắn trước Bộ Công Thương rằng sản lượng lấy từ Nhà máy Nghi Sơn bảo đảm nguồn cung theo kế hoạch thì Bộ Công Thương mới dừng nhập xăng dầu.

HẰNG PHƯƠNG