Lai Châu là một trong những tỉnh miền núi khó khăn do những đặc thù về hạ tầng, dân cư cũng như nguồn lực hỗ trợ cho địa phương còn hạn chế, dẫn đến điều kiện phát triển kinh tế địa phương còn nhiều tồn tại, chưa thuận lợi. Song, trước những khó khăn và vướng mắc, ngăn trở như vậy, Lai Châu vẫn có bước chuyển biến mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đặc biệt, Lai Châu hiện là một trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước về thủy điện, khi mỗi năm đóng góp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh với công suất ổn định, giá bán cạnh tranh, giúp bảo đảm cân đối cung cầu về điện trên cả nước cũng như đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và phát triển của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã đưa ra 12 đề xuất, kiến nghị mong Bộ Công Thương “gỡ khó” để tỉnh có điều kiện thuận lợi trong tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo. Trong đó, các kiến nghị tập trung vào giải pháp phát triển hệ thống lưới điện nông thôn, quy hoạch điện mặt trời, quy hoạch và đấu nối các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, thủ tục cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện quan trọng Quốc gia, các vướng mắc liên quan đến rừng tự nhiên...

Cùng với đó, đại diện 8 đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa ra hàng loạt giải pháp cho những vướng mắc của Lai Châu, đồng thời gợi mở những hướng phát triển sâu rộng hơn cho tỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung, đòi hỏi Bộ Công Thương và tỉnh phải cùng nhau vượt qua những vướng mắc còn tồn tại.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề nghị tỉnh Lai Châu một số vấn đề để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Theo đó, đề nghị Lai Châu cần tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy hoạch, chiến lược, đặc biệt có kế hoạch triển khai, thực hiện cụ thể.

Thay mặt Đoàn công tác Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trao tặng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Lai Châu 200 triệu đồng. 

Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, quy mô tham gia sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, hình thành chuỗi giá trị có sự tham gia của doanh nghiệp sản xuất - phân phối đi cùng với phát triển các vùng nguyên liệu hàng hóa. Tỉnh cần chủ động xác định các sản phẩm thế mạnh của địa phương, còn các đơn vị thuộc Bộ Công Thương sẽ tích cực xác định thị trường tiềm năng, định hướng cho sản xuất, xuất khẩu, phát huy vai trò kết nối doanh nghiệp với địa phương dựa trên cơ sở thực tiễn, đồng thời tổ chức tháo gỡ từ những nút thắt cơ bản...   

Ngoài ra, Lai Châu cần đẩy mạnh thực hiện quảng bá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và coi đây là hoạt động trọng tâm trong phát triển thị trường để sẵn sàng tiếp cận các thị trường mới, có tiềm năng và phù hợp. Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp xây dựng kế hoạch làm việc với chính quyền, các các cơ quan chức năng tại tỉnh Trung Quốc nói chung và tỉnh Vân Nam nói riêng nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại qua biên giới dưới nhiều hình thức, cũng như phát triển lĩnh vực logistics, đơn giản hóa thủ tục hải quan,… để hỗ trợ cho doanh nghiệp. 

Đặc biệt, sau buổi làm việc, Bộ sẽ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phối hợp công tác với tỉnh Lai Châu, trong đó có những giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực và nêu rõ nhiệm vụ cần làm của cả hai bên, góp phần tháo gỡ vướng mắc của địa phương một cách hiệu quả nhất....

THANH HẢI