Theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay, các địa phương đã bàn giao cơ bản 70% diện tích mặt bằng. Hợp đồng thi công xây dựng đã được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu; thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình đã được phê duyệt; vốn đã được bố trí theo tiến độ xây dựng công trình. Đồng thời, có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

Đối với việc phân chia gói thầu phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng và yêu cầu kỹ thuật của dự án. Căn cứ quy định về điều kiện năng lực của nhà thầu, kết quả khảo sát của các chủ đầu tư để nghiên cứu xác định quy mô gói thầu hợp lý, bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia dự án, tuân thủ quy định của pháp luật.

Các chủ đầu tư (ban quản lý dự án) đã hoàn thành chỉ định thầu 14/25 gói thầu xây lắp, 14/25 gói thầu tư vấn giám sát theo đúng trình tự, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch. Các nhà thầu được lựa chọn đều là các doanh nghiệp có tiềm lực, uy tín và đáp ứng các yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của hồ sơ yêu cầu. Đối với 11/25 gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát còn lại, hiện đang hoàn thiện các thủ tục để chỉ định thầu, đáp ứng tiến độ triển khai đồng loạt trước Tết Nguyên đán 2023. 

leftcenterrightdel

Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn. Ảnh: BÙI TUẤN

Là một trong những đơn vị tham gia thi công dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh được chỉ định thực hiện gói thầu XL1, dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. Cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.470 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu.

Từ kinh nghiệm sau khi hoàn thành các dự án và xác định các vấn đề đặt ra làm tiền đề thực hiện cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, nhà thầu kiến nghị, Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo các ban quản lý dự án tách bạch vai trò của chủ đầu tư với vai trò quản lý dự án, nhất quán các tiêu chí tạm ứng, thanh toán và quy trình nghiệm thu, phân công công việc của cá nhân, tập thể phù hợp, tăng cường tương tác với nhà thầu.

Cùng với đó, cần kiểm soát giá và nguồn vật liệu. Thông qua việc quản lý dòng tiền tạm ứng từ tài khoản chuyên dụng để kiểm soát chi tiêu của các nhà thầu trong liên danh sử dụng đúng mục đích, trong đó ưu tiên giải ngân trước cho các nhà cung ứng nhằm bình ổn giá vật tư, vật liệu. Tổ chức rà soát, chủ động làm việc với ban quản lý dự án, địa phương để cùng xem xét các bất cập, đề xuất các giải pháp tháo gỡ. 

Tập đoàn Đèo Cả cam kết sẽ tiên phong ứng dụng công nghệ số khi khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, thông qua hệ thống thiết bị quét tự động và bay chụp để hạn chế sự can thiệp bằng tay của con người nhằm tạo sự minh bạch, đồng bộ, nhanh và chính xác. Tổ chức đánh giá lại hồ sơ thiết kế, dự toán để xác định độ chính xác của địa hình, vị trí mỏ vật liệu, bãi đổ thải, phạm vi giải phóng mặt bằng… 

Bên cạnh đó, đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải có văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn vốn của dự án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các mỏ vật liệu mới, đường mới tiếp cận mỏ vật liệu, bãi đổ thải trước ngày 30-1-2023. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải rà soát, chỉnh sửa, bổ sung ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật.

UBND các tỉnh giao mỏ vật liệu mới cho các nhà thầu trước ngày 30-1-2023 để nhà thầu triển khai bảo đảm tiến độ cam kết và thi công xuyên Tết như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

MẠNH HƯNG