Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã điểm lại một số kết quả công tác nổi bật được ngành Tài chính thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó đáng chú ý là số thu về NSNN cũng như cơ chế chính sách và đảm bảo nguồn lực phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.
Theo đó, thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%), trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020.
 |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Tuấn |
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn, nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu NSNN trong các tháng tiếp theo. Do đó, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, tình hình thu ngân sách từ nay đến cuối năm rất khó khăn và tác động đến chi ngân sách, do đó ngành Tài chính cần chủ động sử dụng chính sách tài khóa linh hoạt, đồng thời cắt giảm các khoản chi không cần thiết như: Chi hội nghị, tiếp khách, công tác phí và các khoản chi thường xuyên khác…
Trong 6 tháng đầu năm, việc thực hiện chi NSNN ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán. Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 6 tháng đầu năm có thặng dư (thu lớn hơn chi); trong đó, cân đối ngân sách Trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng.
Trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp chính sách tài khóa tiếp tục thực hiện trong năm 2021 để PCD, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng. Qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trong 6 tháng đầu năm, NSNN đã chi 4,65 nghìn tỷ đồng; tính từ năm 2020 đến hết tháng 6-2021, đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: 8,4 nghìn tỷ đồng cho công tác PCD Covid-19 (mua vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các đối tượng bị cách ly, phụ cấp cho lực lượng tham gia PCD); 13,1 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
 |
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Tuấn |
Đối với lĩnh vực quản lý nợ công, 6 tháng đầu năm 2021, đã phát hành 141,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để trả nợ gốc đến hạn của ngân sách Trung ương, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ 12,19 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm. Thực hiện trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ theo cam kết.
Thị trường chứng khoán phát triển tốt, tính đến hết ngày 30-6, chỉ số VN-Index đạt 1.408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Quy mô vốn hóa đạt 6.838 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% so với cuối năm 2020; giá trị giao dịch bình quân khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm, tăng 203,5% so với năm 2020. Tuy nhiên có vấn đề hạn chế là sự cố nghẽn mạch tại sàn Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và đã được Ủy ban chứng khoán Nhà nước, HOSE nỗ lực khắc phục bằng giải pháp công nghệ.
Có thể thấy trong 6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhờ có sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp với quyết tâm cao ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN...
HOÀNG LAN