Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, đề nghị đồng chí cho biết, triết lý phát triển bền vững của MB đang được hiện thực hóa ra sao, đặc biệt là trong việc triển khai mô hình ESG (môi trường-xã hội-quản trị)? 

Tổng giám đốc Phạm Như Ánh: Phát triển bền vững đối với MB là sự tăng trưởng kinh doanh bền vững gắn với quản trị (G) doanh nghiệp hiệu quả-hài hòa lợi ích cho các bên liên quan; song hành cùng trách nhiệm với quốc gia, xã hội (S) và bảo vệ môi trường (E). Do đó, MB luôn ưu tiên phát triển bền vững và tiên phong tích hợp các yếu tố bền vững ESG trong triển khai các mục tiêu dài hạn của ngân hàng. Với phương châm bền vững, MB từng bước cụ thể hóa hành động nhằm tạo giá trị cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị của tổ chức. Cụ thể, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, tỷ trọng tín dụng xanh tại MB trung bình giai đoạn 2020-2024 là 8,5%, tập trung vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và nông, lâm nghiệp bền vững, phù hợp định hướng quốc gia, chiến lược ngành ngân hàng về tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổng giám đốc Phạm Như Ánh:  Ảnh: TUẤN HUY 

Với cổ đông, MB thực hiện nghiêm túc các quy định về công bố thông tin, công khai minh bạch mọi thông tin liên quan đến hoạt động của ngân hàng, ổn định cơ cấu cổ đông đa dạng và thực hiện đầy đủ quyền của cổ đông: Đối xử công bằng, bảo đảm công khai, minh bạch, gắn bó và hợp tác chặt chẽ vì sự phát triển ổn định, bền vững. Với khách hàng, MB tăng tốc đầu tư vào mô hình kinh doanh nền tảng dựa trên các nhu cầu của khách hàng. Đồng thời đầu tư hạ tầng công nghệ hiện đại, duy trì hệ thống an ninh bảo mật thông tin tự chủ và linh hoạt, hiện đại hóa hệ thống thanh toán, đáp ứng phục vụ hơn 31 triệu khách hàng với tỷ lệ giao dịch kênh số đạt xấp xỉ 98,6%. Phát triển các kênh phân phối hiện đại, dựa trên ứng dụng công nghệ số và chuyển dịch các sản phẩm, dịch vụ lên kênh số nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính-ngân hàng tới mọi đối tượng người dân, trên mọi vùng miền.

Với nội bộ tổ chức, năm 2024, ESG đã được tích hợp toàn diện vào chiến lược kinh doanh-phát triển sản phẩm, quản trị rủi ro và đồng bộ trong các hoạt động MB. Ngân hàng đã ban hành Khung tài chính xanh phù hợp với thông lệ quốc tế và tiêu chuẩn luật pháp Việt Nam nhằm bảo đảm tài trợ cho những dự án tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường. Xây dựng môi trường làm việc an toàn với chế độ đãi ngộ dài hạn cho cán bộ, nhân viên; bồi dưỡng, phát triển nhân tài và đội ngũ kế cận, linh hoạt theo văn hóa MB1688 (1 tầm nhìn, 6 giá trị văn hóa, 8 định hướng chiến lược và 8 phương pháp làm việc trọng yếu), trang bị công cụ và kỹ năng số cho mọi nhân viên MB. 

PV: MB có chiến lược gì để mở rộng sản phẩm tài chính xanh và làm thế nào để khuyến khích khách hàng, đối tác cùng thực hiện ESG trong các hoạt động tài chính?

Tổng giám đốc Phạm Như Ánh: Tín dụng xanh không chỉ đo lường bằng lợi nhuận. Đây là mảng kinh doanh mang lại giá trị cộng đồng, hỗ trợ bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Tín dụng xanh là một hình thức đầu tư dài hạn, hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Thông qua các dự án xanh, MB không chỉ đồng hành với khách hàng mà còn góp phần định hình tương lai bền vững cho toàn xã hội. Trong những năm vừa qua, MB đã ưu tiên tương đối lớn cho lĩnh vực này, có thể nói là tỷ lệ lớn nhất hệ thống ngân hàng về cho vay tín dụng xanh. MB sẽ hướng tới tăng trưởng 10% cho tín dụng xanh trong những năm tới. 

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội tăng cường cung ứng tài chính xanh tới khách hàng. Ảnh: PHƯƠNG ANH 

Bên cạnh đó, làm thế nào để cân bằng được lợi ích khi làm tín dụng xanh là nội dung cần được quan tâm. Cụ thể, khi làm tín dụng xanh, MB xác định việc đầu tiên là trách nhiệm xã hội trước và sau khi làm tốt việc đó thì uy tín, vị thế của ngân hàng sẽ thay đổi. Tại MB, hằng năm chúng tôi đều xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông để có được một khoản ngân sách tương đối lớn nhằm thực hiện cho các hoạt động trách nhiệm xã hội của ngân hàng. Năm vừa rồi, chúng tôi đã dành hơn 400 tỷ đồng để thực hiện cho các chương trình an sinh xã hội. Tháng 4-2025, chúng tôi cũng vừa làm một chương trình rất lớn đó là “HiGreen Trường Sa” nhằm mục tiêu xanh hóa Trường Sa thông qua việc trồng mới 1 triệu cây xanh. MB đặt mục tiêu đóng góp 160 tỷ đồng cho chương trình, trong đó 50 tỷ đồng được đối ứng thông qua các hoạt động tài chính xanh và chiến dịch lan tỏa cộng đồng. Đây không chỉ là chiến dịch môi trường thông thường mà còn là hành động cụ thể của hơn 20.000 cán bộ, nhân viên MB, sự ủng hộ của hơn 31 triệu khách hàng từ MB và nhiều tổ chức, cá nhân. Qua đó, khẳng định rằng, mỗi người dân Việt Nam có trách nhiệm với việc bảo vệ quê hương, xây dựng đất nước từ đất liền tới hải đảo xa xôi.

PV: Đồng chí có thể đánh giá tác động thực chất của các dự án ESG đến cộng đồng và MB đang có những sáng kiến cụ thể nào nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng yếu thế, khu vực vùng sâu, vùng xa?

Tổng giám đốc Phạm Như Ánh: Bên cạnh việc thực thi trách nhiệm xã hội, cộng đồng thông qua đóng góp tài chính, MB đã dùng chính thế mạnh số để cung cấp sản phẩm và phát triển kênh phân phối hỗ trợ mọi người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện với chi phí hợp lý, đặc biệt tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, MB đã triển khai mô hình đại lý thanh toán với đối tác Viettel, các dịch vụ cung cấp qua mô hình đại lý gồm: Hỗ trợ nộp, rút tiền mặt, thanh toán dư nợ thẻ, chuyển tiền và thực hiện các dịch vụ thanh toán cơ bản khác... Ngoài ra, MB cũng phát triển kênh thanh toán hiện đại trên ứng dụng công nghệ số, đặc biệt qua điện thoại di động; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức trung gian thanh toán, cổng dịch vụ công quốc gia để kết nối và cung ứng dịch vụ thanh toán thuận lợi cho khách hàng ngay trên ứng dụng MBBank với các công nghệ mới nhất; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thuận lợi cho mọi người dân. Đến nay, MB đã mở rộng độ bao phủ các điểm cung ứng dịch vụ, mạng lưới đến 8/10 khu vực kinh tế khó khăn trên cả nước.

PV: Định hướng phát triển bền vững trong những năm tới của MB là như thế nào, thưa đồng chí?

Tổng giám đốc Phạm Như Ánh: Đến năm 2026, sáng kiến ESG trọng điểm của MB tập trung kiện toàn các nền tảng trụ cột khung phát triển bền vững theo thông lệ, tạo giá trị và tác động tích cực đến môi trường thông qua chủ động chuyển đổi trong hoạt động vận hành, giảm phát thải. Hướng tới khách hàng thông qua các sản phẩm xanh, bền vững; thực hành quản trị ESG tiên tiến-quản trị với tiêu chuẩn cao; có trách nhiệm xã hội và lan truyền tác động tích cực tới cộng đồng vì mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0). Định hướng tới năm 2030, MB trở thành ngân hàng xanh tiên phong, dẫn đầu trong ngành, là điển hình dẫn dắt về chuyển đổi ESG toàn diện trong chuỗi giá trị; hướng tới trung hòa carbon, tiên phong trong các giải pháp tài chính khí hậu bằng thế mạnh, nội lực số.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

MINH VIỆT (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.