Những ngày cuối năm 2015 trên cao nguyên Bô-lô-ven nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn thuộc nước bạn Lào đón một đợt không khí lạnh, sắc xuân cũng vừa chớm nơi những bản làng, rẫy cà phê trải dài ngút mắt. Thành phố Pắc-xế, tỉnh Chăm-pa-sắc, diễn ra một sự kiện đặc biệt: Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2015 với chủ đề “Hữu nghị, hợp tác và phát triển” do Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương của Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương và UBND tỉnh Chăm-pa-sắc (Cộng hòa DCND Lào) tổ chức.

 Lãnh đạo và doanh nhân tỉnh Chăm-pa-sắc tham quan, tìm hiểu các sản phẩm của Công ty cổ phần 22 (Tổng cục Hậu cần) trưng bày tại hội chợ.

Hội chợ là chuỗi hoạt động quy mô lớn trải đều trên nhiều địa bàn của tỉnh Chăm-pa-sắc, gồm: Triển lãm, trưng bày sản phẩm, xúc tiến thương mại, tặng quà đồng bào nghèo, khám bệnh, cấp thuốc cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội và đồng bào nghèo, biểu diễn văn nghệ… Thành phố Pắc-xế, nơi diễn ra nhiều hoạt động chính của hội chợ, được ví như là đô thị trung tâm tạo động lực cho cả vùng phía Nam của Lào vốn rộng lớn và giàu tiềm năng phát triển cây công nghiệp, du lịch… Khi tham quan các siêu thị, chợ, cửa hàng, đến đâu chúng tôi cũng thấy một đặc điểm rất chung: Hàng hóa được bày bán phần lớn đều là hàng ngoại nhập và có sự cạnh tranh rất gay gắt. Một cán bộ thuộc Tỉnh đội Chăm-pa-sắc dẫn chúng tôi tham quan, cho biết: Người dân ở đây chuộng nhất vẫn là hàng ngoại "Made in Việt Nam". Đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy bảng hiệu ở khu trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng đều in song ngữ tiếng Việt và tiếng Lào. Rất nhiều người dân nơi đây nói được tiếng Việt. Chủ các cửa hàng, sạp hàng ở chợ trung tâm của thành phố Pắc-xế chiếm hơn 80% là Việt kiều. Hàng hóa có nhãn hiệu Việt Nam được bày bán rất nhiều, từ đồ gia dụng cho đến các sản phẩm may mặc, công nghiệp, nông sản… Thiếu tướng, PGS, TS Trần Trung Tín, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng, Trưởng ban tổ chức Hội chợ Thương mại Việt - Lào năm 2015, chia sẻ:

- Hội chợ Thương mại Việt - Lào được tổ chức ở tỉnh Chăm-pa-sắc vì nơi đây là thị trường lớn của khu vực Nam Lào, có rất đông cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc qua nhiều thế hệ; hàng hóa Việt Nam được người dân ưa thích. Gần 150 doanh nghiệp trong và ngoài quân đội đã triển lãm những loại hàng hóa chất lượng cao, giá rẻ, khẳng định thương hiệu Việt trên đất nước bạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thắm tình hữu nghị, đoàn kết: Trao 400 phần quà tặng gia đình chính sách, đồng bào nghèo; Bệnh viện Quân y 175 khám bệnh, cấp thuốc cho hơn 500 người dân, cán bộ, chiến sĩ quân đội Lào…

Đồng hành cùng các hoạt động của hội chợ trong suốt một tuần lễ đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng, cảm xúc về tình hữu nghị sâu sắc, sự quan tâm đặc biệt của chính quyền và nhân dân tỉnh Chăm-pa-sắc đối với những người bạn đến từ Việt Nam. Hội chợ thu hút hàng chục nghìn người thuộc tỉnh Chăm-pa-sắc và các tỉnh lân cận như: Át-ta-pư, Sê-kông đến tham quan, mua sắm mỗi ngày, trong đó có rất đông bà con Việt kiều đến mua sắm các sản phẩm quê nhà, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc trên đất nước bạn. Tại sân khấu chính của hội chợ, các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 5 liên tục biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và ngợi ca tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Hàng trăm gian hàng của các doanh nghiệp được trang trí đẹp mắt, trưng bày nhiều loại sản phẩm trong ánh đèn rực rỡ, lấp lánh, trong đó có nhiều thương hiệu thuộc các doanh nghiệp quân đội của Việt Nam như: Tổng công ty 28, Công ty cổ phần 22, Công ty cổ phần 26, Ngân hàng TMCP Quân đội, Công ty cà phê 15, Công ty Đông Hải, Tân Cảng-Sài Gòn...

Việt kiều Lê Thị Lượng, Chủ tịch Tập đoàn Đào Hương, có hoạt động sản xuất, kinh doanh quy mô lớn nhất các tỉnh phía Nam của Lào, chia sẻ:

- Hội chợ Thương mại Việt - Lào lần này đã mang lại niềm vui rất lớn cho cộng đồng người Việt và nhân dân các tỉnh phía Nam của Lào, mở ra hướng hợp tác cụ thể, sâu rộng thông qua mở rộng kênh phân phối, đầu tư; mang đến nhiều chương trình khuyến mại lớn cho nhân dân trong vùng vào những ngày cuối năm. Tập đoàn Đào Hương cũng đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều doanh nghiệp của Việt Nam để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo thế mạnh cho hàng Việt, khẳng định vững chắc thương hiệu và niềm tin hàng Việt trên đất nước Lào anh em.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN